ĐBSCL nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
7 tháng qua, 6 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm trong trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An là 3 tỉnh dẫn đầu. Nhiều địa phương từ chỗ đi sau, nay đã về trước. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền địa phương.
Chưa bao giờ các công trình tại Tiền Giang lại sôi động như thời điểm này, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng. Tất cả đều được hoàn thành từ sớm để việc thi công thuận lợi và nhanh chóng.
Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Riêng tại Bến Tre, một tổ công tác đã được thành lập ngay từ đầu năm. Nhiều vấn đề khó đã được tháo gỡ để sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
"Phát huy tối đa tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc", ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết.
7 tháng qua, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 35,49%, tăng so với mức 34,47% cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều địa phương tại ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% bao gồm Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.
Dự án xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) đang triển khai thực hiện. (Ảnh: TTXVN)
Không ít địa phương trong vùng đang cố gắng để đạt đến con số tuyệt đối. Trong đó, cách làm của Đồng Tháp là một ví dụ.
"Giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối, cho những người phụ trách trực tiếp cùng với nhà đầu tư, nhà thầu hỗ trợ về cát, phương tiện, lao động và giải phóng mặt bằng", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, các địa phương ĐBSCL đã trở thành điểm sáng trong bức tranh chung cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả hứa hẹn sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho các địa phương.