Chính phủ trình Quốc hội thí điểm tháo gỡ dự án nhà ở thương mại
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại để tháo gỡ nguồn cung ra thị trường.
Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Dự thảo nghị quyết quy định điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Qua đó, tổ chức kinh doanh bất động sản được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng với một hoặc các loại đất.
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại để tháo gỡ nguồn cung ra thị trường. Ảnh: Pixabay |
Cụ thể bao gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Dự án được thực hiện thí điểm phải đáp ứng các điều kiện như: Phạm vi khu đất thực hiện dự án phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc nằm trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.
Ngoài ra, dự án phải được UBND tỉnh chấp thuận cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở…
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng quy định tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm.
Theo đó, dự án thí điểm được thực hiện tại khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị và không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai.
Đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất, khu đất thực hiện dự án phải không thuộc danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Chính phủ cho biết, các quy định được đưa ra nhằm tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, các quy định cũng nhằm tạo điều kiện để người sử dụng đất, chủ đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính…
Theo Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.
Với các quy định trên, việc triển khai dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý, điều kiện cho trường hợp nhận quyền sử dụng đất không phải đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải đất ở để thực hiện dự án.
Vì vậy với các trường hợp này không được chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án.
Trong khi đó, nguồn cung dự án bất động sản thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến giá bất động sản tăng cao.
Từ thực tế trên, Chính phủ cho hay, cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển nhượng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có báo cáo đánh giá tác động việc thí điểm mở rộng loại đất xây nhà thương mại. Phần lớn bộ, ngành, địa phương đều đồng thuận với dự thảo nghị quyết thí điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. TP Hà Nội cho biết thống nhất ban hành nghị quyết thí điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn với khoảng 191 dự án, quy mô 1.700 ha. Tương tự, TP Hồ Chí Minh thông tin đã có quy hoạch sử dụng khoảng 600.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích ở. TP Đà Nẵng đề nghị sớm triển khai thí điểm nhưng lưu ý về điều kiện liên quan đến mật độ dân số theo quy hoạch xây dựng.