Chênh lệch mua bán vàng cao, nhà đầu tư làm gì để tránh thua lỗ?
Giá vàng trong nước tiếp tục chứng kiến mức chênh lệch mua bán ở ngưỡng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Rủi ro thua lỗ
Tại thời điểm khảo sát lúc 6h sáng ngày 24/11/2024, chênh lệch mua bán vàng trong nước đang neo ở ngưỡng cao, đặc biệt là vàng miếng SJC.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 85-87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 85-87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng cũng đang ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua bán vàng hiện đang ở ngưỡng cao. Ảnh minh hoạ |
Cùng thời điểm giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 85,6-86,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); chênh lệch mua - bán ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn Phú Quý 9999 niêm yết ở ngưỡng 85,6-86,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); chênh lệch mua - bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải đang niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 85,63-86,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chênh lệch mua - bán ở ngưỡng 950.000 đồng/lượng.
Như vậy, khi mua vàng miếng SJC tại DOJI vào sáng nay 24/11, giá vàng phải tăng 2 triệu/lượng nhà đầu tư mới hòa vốn, dẫn tới những rủi ro thua lỗ đối với nhà đầu tư. Cụ thể, với mức chênh lệch 2 triệu đồng/lượng của vàng miếng SJC tại DOJI, giá vàng phải tăng ít nhất 2 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư mới hòa vốn khi bán ra.
Nhà đầu tư nên "bỏ trứng vào nhiều giỏ"
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng chênh lệch giữa giá mua - bán vàng trong nước đang quá cao cũng là chuyện thường hay xảy ra và là phương án dự phòng tránh trường hợp các nhà kinh doanh vàng không bị ảnh hưởng lớn do biến động về giá.
“Hiện nay, giá vàng khi tăng rất nhanh, khi giảm cũng nhanh. Chính vì vậy, các cửa hàng, công ty kinh doanh vàng chỉ có cách là tăng giá bán và giảm giá mua để giảm rủi ro nên khoảng cách giá mua vào và bán ra có lúc 2-3 triệu, có lúc lại lên đến 5 triệu là vì vậy. Đây cũng là cách mà các nhà kinh doanh vàng đẩy rủi ro sang cho người mua”, vị chuyên gia nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng bản chất hoạt động của doanh nghiệp đều là vì lợi nhuận, nên đã tạo ra chênh lệch mua bán. “Những thời điểm giá vàng biến động mạnh, chênh lệch buôn bán sẽ lớn để trừ trường hợp mua vào với giá cao mà phải bán ra với giá thấp khi giá vàng giảm và sẽ bị lỗ”.
Tuy nhiên, theo ông Huân, đó là nguyên tắc thị trường nên cũng không thể đổ lỗi cho các nhà kinh doanh vàng khi chênh lệch mua bán vàng đang cao như hiện tại.
Để giải quyết tình trạng chênh lệch khoảng cách mua bán vàng, theo ông Huân: “Việt Nam có thể lập ra những thị trường giao dịch vàng, sàn vàng do Ngân hàng nhà nước quản lý. Tại đó, người mua và người bán tự giao dịch với nhau như trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc làm này sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch vàng, dường như cũng không còn chênh lệch giữa mua và bán nữa mà chỉ có phí giao dịch mà thôi”.
Về phía chuyên gia Định Trọng Thịnh, ông cho rằng trước tình hình giá vàng liên tục biến động cũng là cơ hội kinh doanh mua bán. Tuy nhiên, mô hình đầu tư vàng ngắn hạn hay mua đầu cơ tích trữ thường nhận nhiều rủi ro. “Đặc biệt, không nên vay vàng để đầu tư vì quá rủi ro”, chuyên gia nhận định.
Do đó, ông khuyến nghị người dân nên theo dõi thị trường vàng thế giới và trong nước thường xuyên, quan sát sự chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước, nếu quá cao sẽ nhận rất nhiều rủi ro. Cũng theo chuyên gia, người dân nên phân bổ khoản tiết kiệm của mình làm nhiều mảng như gửi sổ tiết kiệm, mua chứng khoán… để đa dạng danh mục đầu tư.