Áp lực huy động vốn của ngân hàng có quay trở lại?
Sự sụt giảm lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng là những tín hiệu cảnh báo đáng lo ngại. Bên cạnh các doanh nghiệp dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng vòng quay tiền mặt nên cần phải rút tiền gửi, có những doanh nghiệp tiếp tục chật vật đang tiêu đến những đồng tiền gửi ngân hàng cuối cùng.
Tiền gửi cá nhân lại vượt trội
Trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh 4.87% so với cuối năm 2022, còn hơn 5.66 triệu tỉ đồng, ngược lại tiền gửi của dân cư lại tăng mạnh tới 7.08%, đạt hơn 6.28 triệu tỉ đồng tính đến cuối quý 1 vừa qua. Đó là số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới cập nhật trên website gần đây. Xu hướng tiền gửi tổ chức giảm trong khi tiền gửi dân cư tăng đã được duy trì xuyên suốt trong suốt 3 tháng đầu năm, với tháng 1 so với đầu năm tương ứng là -4.18% và 3.02%, tháng 2 là -5.68% và 5.36%.
Còn tính theo số tuyệt đối, trong 3 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã giảm ròng gần 290,000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư tăng hơn 415,000 tỷ đồng. Quay lại quá khứ, trong 2 năm 2020 và 2021, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với tiền gửi từ dân cư, nhưng bước sang năm 2022 và 3 tháng đầu năm xu hướng này đã đảo ngược trở lại.
Cụ thể, nếu như tại thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi của tổ chức kinh tế cao hơn tiền gửi dân cư là gần 345,000 tỷ đồng, năm 2022 vẫn còn cao hơn gần 88,000 tỷ đồng, đến cuối tháng 3 đã thấp hơn 617,000 tỷ đồng, khi tiền gửi dân cư đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Lý giải về điều này, khả năng trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID 19, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, vòng quay vốn chậm lại, nên nhiều doanh nghiệp đã tăng cường gửi tiền vào ngân hàng, trong khi khu vực dân cư do lo sợ những ảnh hưởng của đại dịch nên đã tăng tích trữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro, cũng như tìm kiếm cơ hội ở các kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản vốn vẫn nóng sốt ở giai đoạn đó.
Nhưng từ năm 2022 cho đến nay, các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường nên xu hướng trên đã đảo ngược. Lãi suất tiết kiệm cao hơn, thị trường chứng khoán và bất động sản điều chỉnh mạnh, bước vào giai đoạn trầm lắng, nên dòng tiền từ dân cư đã bị hút trở lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vào quý 4 năm 2022 và quý 1 đầu năm nay.
Tuy nhiên, sự sụt giảm lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng là những tín hiệu cảnh báo đáng lo ngại. Bên cạnh các doanh nghiệp phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng vòng quay tiền mặt nên cần phải rút tiền gửi, có những doanh nghiệp tiếp tục chật vật đang tiêu đến những đồng tiền gửi ngân hàng cuối cùng.
Ngoài ra, việc ngân hàng thừa vốn dù là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng lãi suất đi xuống trong thời gian gần đây, nhưng cũng đồng thời biểu hiện sự trì trệ của nền kinh tế, khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm sút hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục tiếp cận các khoản tín dụng mới.
Áp lực huy động cuối năm
Sau 3 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp gần đây, không ít dự báo cho rằng NHNN sẽ còn tiếp tục có các đợt giảm thêm lãi suất từ 1-2 lần trong thời gian còn lại của năm nay. Cơ sở hỗ trợ ngoài yếu tố lạm phát hạ nhiệt, định hướng giảm thêm lãi suất cho vay của nhà điều hành, còn là tăng trưởng tín dụng được dự báo vẫn chậm và thanh khoản hệ thống duy trì sự dồi dào.
Hòa theo động thái giảm lãi suất của nhà điều hành, hầu hết các ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất tiền gửi, trong đó có nhóm NHTM Quốc doanh, đưa mặt bằng lãi suất huy động vốn về lại như giai đoạn cuối quý 3 đầu quý 4 năm ngoái. Diễn biến này đã tạo điều kiện cho lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm thực chất hơn trong những tuần gần đây.
Từ cuối quý 2 đầu quý 3 này, lượng tiền gửi tiết kiệm ở khung lãi suất cao vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ bước vào giai đoạn đáo hạn dần. Với khung lãi suất của các ngân hàng đã được điều chỉnh giảm khá mạnh từ cuối quý 1 đến nay, lượng tiền này có thể tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác thay vì tiếp tục lại ở kênh tiết kiệm ngân hàng. Điều này sẽ đặt ra một thách thức đáng kể cho hoạt động huy động vốn của các nhà băng. |
Tuy nhiên, những áp lực lên hoạt động huy động vốn của các nhà băng trong thời gian còn lại của năm nay là rất khó lường. Dù tiền gửi từ dân cư tăng trưởng rất mạnh trong quý 1 đầu năm lên tới 7.08%, nhưng do tiền gửi tổ chức giảm nên tổng thể tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 1.06%. Theo đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế so với tổng tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống vẫn đang ở mức hơn 102%, nếu tính luôn giấy tờ có giá vào huy động vốn thì tỷ lệ này cũng trên 93%.
Vì vậy, có lẽ không ít nhà băng đang phải tận dụng nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng/ huy động vốn tối đa 85% theo quy định. Nhưng nếu lãi suất trên thị trường 2 tăng vọt trở lại vì một lý do gì đó, hoặc bị thắt chặt thanh khoản như đã từng xảy ra vào cuối năm ngoái, các ngân hàng buộc sẽ phải tăng cường huy động ở khu vực dân cư và tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất.
Tính đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm đạt 3.04%, trong khi huy động vốn thấp hơn nhiều là 1.78%. Cập nhật gần nhất đến cuối tháng 5 tăng trưởng tín dụng là 3.17%, dù số liệu huy động vốn không được công bố nhưng khả năng vẫn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng vẫn chưa có được sự cân đối giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, từ cuối quý 2 đầu quý 3 này, lượng tiền gửi tiết kiệm ở khung lãi suất cao vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ bước vào giai đoạn đáo hạn dần. Với khung lãi suất của các ngân hàng đã được điều chỉnh giảm khá mạnh từ cuối quý 1 đến nay, lượng tiền này có thể tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác thay vì tiếp tục lại ở kênh tiết kiệm ngân hàng. Điều này sẽ đặt ra một thách thức đáng kể cho hoạt động huy động vốn của các nhà băng trong giai đoạn tới.
Cụ thể nếu nhìn từ cuối tháng 9/2022 đến cuối tháng 3 đầu năm nay, là giai đoạn mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục tăng mạnh và duy trì ở mặt bằng cao, riêng số dư tiền gửi từ khu vực dân cư đã tăng ròng hơn 642,000 tỷ đồng, tương đương 10.2% tiền gửi của dân cư và xấp xỉ 5.4% tổng tiền gửi của hệ thống đến cuối tháng 3/2023.
Tuy nhiên, ở góc độ nhà điều hành nếu không thể giảm thêm lãi suất, vẫn có thể tiếp tục bơm thêm thanh khoản tiền đồng vào nền kinh tế qua kênh mua ngoại tệ và thị trường mở, điều đã được thực hiện xuyên suốt trong những tháng gần đây. Với lượng thanh khoản dồi dào cũng giúp giảm bớt áp lực lên hoạt động huy động vốn của các nhà băng và tiếp tục kiềm chế lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp như định hướng của Chính phủ.