“Sức khỏe” ngành sản xuất cải thiện sau 3 tháng suy giảm
Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi đơn hàng mới tăng lên, còn việc làm và hoạt động mua hàng đã vượt ngưỡng trung bình.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo báo cáo cập nhật của các tổ chức quốc tế, niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đang cải thiện rõ rệt kể từ cuối tháng 2 đến nay. Điều này có được là nhờ sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi đơn hàng mới tăng lên, còn việc làm và hoạt động mua hàng đã vượt ngưỡng trung bình.
Lô sản phẩm quạt gió ô tô cho thị trường Mỹ đang ở những khâu lắp ráp cuối cùng để kiểm định chất lượng trước khi đưa vào sản xuất đại trà khoảng 100.000 sản phẩm/năm. Đây là 1 trong 5 dự án có thời hạn thực hiện đến 6 năm doanh nghiệp ký với đối tác nước ngoài trong bối cảnh sự chững lại của các đơn đặt hàng diễn ra trên toàn cầu.
"Chúng tôi đã phát triển các năng lực về mặt kỹ thuật, năng lực quản lý sản xuất, năng lực quản lý chuỗi cung ứng và nhất là năng lực thiết kế phát triển sản phẩm. Năm nay sẽ là một năm cất cánh vì chúng tôi đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ của khách hàng khó tính từ châu Âu và Hoa Kỳ", ông Dương Nguyên Thành, Phó Chủ tịch Công ty Haast Việt Nam, chia sẻ.
Theo Tổng cục thống kê, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm của tháng 1 đã cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng.
Các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: EuroCham, KorCham đều cho rằng, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã tăng trở lại cùng với thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp. Đây là những tín hiệu khả quan về tăng trưởng cho quý đầu năm nay.
"Từ cuối năm ngoái chúng tôi nhận định sẽ có nhiều khó khăn trong đầu năm nay, nhưng đến nay niềm tin các nhà đầu tư châu Âu tăng lên khi các đối tác lâu năm, truyền thống vẫn giữ đơn hàng và coi Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), cho biết.
"Tiềm lực kinh tế của Việt Nam trong khu vực vẫn khả quan nhờ sức bật tăng trưởng năm ngoái, trong đó sức hút đầu tư của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, song hành với việc giữ chân được thị trường xuất khẩu. Đây cũng là cơ sở cho tăng trưởng các tháng tiếp theo", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia Kinh tế Phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
Mối quan tâm nhất hiện nay của các nhà đầu tư là tình hình lạm phát khi cả chi phí đầu vào và giá bán hàng trong tháng 2 đều tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm ngoái tới nay. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới hiện vẫn thành công trong điều hành giá cả, kiểm soát được lạm phát trong phạm vi đề ra.