“Cuộc trở lại” phân khúc nhà ở xã hội
Cú hích từ gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế đang thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Trong ĐHCĐ thường niên của Vinhomes mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Doanh nghiệp vào cuộc đua
Các dự án nhà ở xã hội của Vinhomes sẽ mang thương hiệu Happy Home, quy mô mỗi dự án từ 50 - 60ha. Dự kiến giá bán căn hộ sẽ dao động từ 300 - 950 triệu đồng mỗi căn. Vinhomes hứa hẹn sẽ giúp "nâng tầm" nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích như: Công viên, khu vui chơi trẻ em, sân chơi thể thao…
Hay như Viglacera cũng sẽ đầu tư phát triển các dự án mới, có thể kể đến nhà ở công nhân/nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP. Hà Nội); khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ); khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).
Trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã "đánh tiếng" chung tay xây dựng nhà ở thu nhập thấp như Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group), Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng đã bắt tay làm hàng triệu nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo thông tin công bố, các doanh nghiệp trên sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn với giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Mức giá có thể thấp hơn nếu doanh nghiệp nhận được các ưu đãi về tiền sử dụng đất, lãi suất...
Theo giới chuyên gia, việc các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi tham gia làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ giúp người mua yên tâm hơn về chất lượng của dự án. Bởi những doanh nghiệp lớn đã có uy tín trên thị trường với nhiều dự án cao cấp thì khi làm nhà bình dân cũng sẽ chỉn chu và bài bản hơn.
"Đầu tư nhà ở xã hội chỉ khó giai đoạn đầu, bởi do được nhiều ưu đãi nên việc thẩm định sẽ chặt chẽ hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, khi đã "qua ải" này, thì mọi thứ sẽ vào guồng quay" – một chuyên gia cho biết.
Cần sự đột phá
Được biết, Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu, Chính phủ yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội, hỗ trợ hàng trăm nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống; đồng thời, triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ để tạo đột phá về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, người lao động, trên cơ sở kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa người dân - Nhà nước - doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và điều kiện; phát huy các các kinh nghiệm tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển nhà ở xã hội để nhân rộng trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội. Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỷ đồng cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng. Điều này sẽ mang tới cơ hội không lo thiếu người mua, chỉ lo thiếu dự án.
Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty bất động sản chia sẻ: Để tăng nguồn cung, bên cạnh ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp cần sự đột phá về quỹ đất và thủ tục pháp lý. Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết trên thực tế, mọi việc không đơn giản doanh nghiệp đến Sở rồi sẽ có công văn, mà phải chờ các sở, ban, ngành liên quan có ý kiến, thời gian làm thủ tục pháp lý rất lâu và ảnh hưởng lớn đến chi phí doanh nghiệp.
Lấy ví dụ khi triển khai dự án bất động sản ở Bình Dương, dù được ủng hộ, nhưng vẫn mất đến gần 3 năm mới hoàn tất thủ tục pháp lý. "Khi có cơ hội thuận lợi, các doanh nghiệp đều sẵn sàng bắt tay triển khai các dự án" – ông Ngô Quang Phúc bày tỏ quan điểm.