Thủy sản Phương Nam sẽ xong thủ tục phá sản vào cuối năm 2022
Các ngân hàng đã bán đấu giá nhiều tài sản của Công ty Phương Nam để thu hồi nợ. Tài sản chưa bán được là nhà máy chế biến tôm tại TP Sóc Trăng, được thế chấp tại 7 nhà băng.
Ngày 6/3, cơ quan chức năng tại Sóc Trăng tiếp tục xem xét, định giá tài sản còn lại của Công ty Cổ phần Phương Nam, địa chỉ ở phường 7, TP Sóc Trăng. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Phương Nam, do ông Lâm Ngọc Khuân thành lập năm 1998.
7 ngân hàng chia nhau một nhà máy
Trao đổi với Zing, ông Thái Rết, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, cho biết dự kiến cuối năm 2022, Công ty Phương Nam sẽ hoàn thành thủ tục phá sản. Quản tài viên đang xem xét giá trị tài sản còn lại chưa được các ngân hàng bán để thu hồi nợ là nhà máy chế biến thủy sản của doanh nghiệp này.
Theo quan sát của phóng viên, nhà máy chế biến tôm và dãy nhà làm việc của Công ty Phương Nam tại phường 7, TP Sóc Trăng đã xuống cấp. Hàng ngày chỉ có vài người ra vào để trông giữ tài sản.
Công ty Cổ phần Thủy sản Phương Nam. Ảnh: Việt Tường. |
Theo Chánh án Thái Rết, các tài sản trong nhà máy này từng được lãnh đạo cũ của Công ty Phương Nam thế chấp cho 7 ngân hàng. Tại một hội nghị sau Tết Nguyên đán 2022, ông Thái Rết cho biết Công ty Phương Nam chỉ còn lại tài sản khoảng 150 tỷ đồng trong khi nợ khoảng 5.000 tỷ đồng chỉ mới trả được 2.000 tỷ đồng.
Cạnh nhà máy thủy sản Phương Nam ở TP Sóc Trăng là dinh thự của ông Lâm Ngọc Khuân, từng được người vợ là bà Trần Thị Mỹ đứng tên. Dinh thự này trị giá hơn 40 tỷ đồng, được một doanh nghiệp ở TP.HCM xây dựng.
Cuối năm 2013, ông Khuân đi nước ngoài, bỏ lại khoản nợ khoảng 1.600 tỷ đồng thì dinh thự này đã được thế chấp cho Vietcombank. Tài sản được cho là của cá nhân bà Mỹ, không liên quan Công ty Phương Nam nên ngân hàng chủ nợ tiếp quản đến nay.
Trong quá trình Công ty Phương Nam tái cơ cấu nợ, khu dinh thự được Công ty Cổ phần Xây dựng Sóc Trăng thuê từ ngân hàng để mở khách sạn nhưng không thành công. Vài tháng trước, một doanh nghiệp đầu tư nhà máy may tại Sóc Trăng thuê dinh thự này để các chuyên gia ở nhưng hiện nay đã trả cho Vietcombank.
Hơn chục năm xảy ra vụ nợ nần tại Công ty Phương Nam, nhà thầu xây dinh thự vẫn chưa được ông Khuân thanh toán tiền. Chủ doanh nghiệp xây dựng này chấp nhận mất vốn vài chục tỷ đồng để “làm lại từ đầu” từ những công trình xây dựng nhỏ tại TP.HCM.
Nhà xưởng cử KM Phương Nam đã bị đập bỏ
Theo Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, công ty liên quan đến Thủy sản Phương Nam là KM Phương Nam (trụ sở, nhà xưởng tại huyện Kế Sách) đã được ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ. 5 thửa đất tại huyện Kế Sách mang tên Trần Thị Mỹ (vợ ông Khuân) cũng được ngân hàng đưa ra đấu giá.
Phóng viên có mặt tại Công ty KM Phương Nam ngày 6/3, thấy nơi đây là bãi đất trống vì nhà xưởng đã bị đập bỏ. Hàng rào và phòng bảo vệ của doanh nghiệp vẫn còn, có tấm bảng ghi dòng chữ: Tài sản trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Hưng Phát.
Hồ sơ KM Phương Nam thể hiện doanh nghiệp này thành lập cuối năm 2007 với vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Trước khi Thủy sản Phương Nam lún vào nợ nần, một ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng Sóc Trăng cho KM Phương Nam vay 195 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (6,9% một năm). Sau khi giải ngân được khoảng 175 tỷ đồng thì ông Khuân đã đi nước ngoài và không quay về.
Công ty KM Phương Nam tại huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Nhà xưởng của doanh nghiệp đã bị đập bỏ. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Lê Vũ Đức, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, xác nhận tài sản của vợ chồng ông Khuân và Công ty KM Phương Nam tại địa phương này đã được đổi chủ. Chủ sở hữu mới đang xin cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng về việc mở dự án khu phức hợp gồm các công trình thương mại, nhà trẻ…
Thủy sản Phương Nam trở thành công ty cổ phần vào năm 2000 với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài ông Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ, vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Phương Nam được nhiều ngân hàng cho vay vốn kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, ông Khuân đã sử dụng vốn sai mục đích vào các việc như dùng để trả nợ, kinh doanh bất động sản, liên doanh - liên kết đầu tư với công ty KM Phương Nam do chính mình làm chủ tịch Hội đồng thành viên và chiếm hưởng trên 52 tỷ đồng. Do kinh doanh thua lỗ 5 năm liên tục dẫn đến mất khả năng thanh toán, ông Khuân chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền. Cuối năm 2013, ông Khuân đi nước ngoài, bỏ lại khoản nợ khoảng 1.600 tỷ đồng. Chồng đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền là ông Trần Văn Trí cùng các ngân hàng tham gia giải cứu Thủy sản Phương Nam bằng cách tái cơ cấu vào giữa năm 2013. Công ty sau đó hoạt động trở lại dù nhà chức trách xác định Thủy sản Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền 638 tỷ đồng. Số tiền này cha con ông Khuân được cho là đã chiếm đoạt rồi bỏ trốn. Nguyên kế toán Lâm Minh Mẫn và giám đốc Trịnh Hồng Phượng sau đó lĩnh 16-18 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm chi nhánh ngân hàng tại Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng bị Thủy sản Phương Nam nợ, khiến 25 người là nguyên cán bộ ngân hàng cũng vướng lao lý vì tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. |