Tập đoàn KIDO đặt mục tiêu lãi lớn gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2022
Mặc dù dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu leo thang nhưng KIDO vẫn đặt mục tiêu lãi khả quan do công ty sẽ cơ cấu lại thị trường để bù đắp chi phí.
Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (MCK:KDC) mới đây đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua nhiều quyết định quan trọng, đồng thời thực hiện công bố Báo cáo thường niên năm 2021 với các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể cho năm 2022.
Tổng kết năm 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn KIDO đạt 10.497 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 688 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch đề ra của cả năm, tăng 65,3% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 653 tỷ đồng tăng mạnh 97,8% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, tổng tài sản ghi nhận ở mức 14.073 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 6.895 tỷ đồng.
Lãi sau thuế chưa phân phối của KIDO tính đến cuối năm 2021 đạt 1.787 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, KIDO sẽ chi khoảng 151 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền tỉ lệ 6% cho cổ đông.
Năm 2022, Tập đoàn KIDO nhận định bên cạnh thuận lợi khi Việt Nam kết thúc giãn cách và chuyển qua “bình thường mới”, một rủi ro đang hiện hữu với các doanh nghiệp nói chung là việc giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu leo thang. Do đó, doanh nghiệp sẽ xem xét tiết kiệm các khoản chi phí, nỗ lực gia tăng sản lượng bán hàng, cơ cấu thị trường để bù đắp một phần tăng giá nguyên vật liệu.
Vì vậy, Kido đặt mục tiêu năm 2022 đạt 14.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với thực hiện năm 2021; lãi trước thuế dự kiến 900 tỷ đồng, tăng 31%. Dự kiến chia cổ tức tỉ lệ 10%.
Về kế hoạch tiếp tục mở rộng triển khai hệ thống bán lẻ, trong năm 2022, KIDO chia sẻ sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị… nhằm bổ sung vào danh mục sản phẩm thiết yếu của KIDO.
Trong thời gian tới, đối với ngành hàng lạnh, KIDO sẽ tập trung vào mục tiêu mở rộng thị trường đặc biệt là thị trường Take-home và xuất khẩu; Mở rộng kênh phân phối, tiếp cận các đối tượng khách hàng mới nhằm gia tăng khoảng cách thị phần với các đối thủ, giữ vững vị trí dẫn đầu ngành hàng Kem tại Việt Nam; Phát triển sản phẩm theo xu hướng của giới trẻ; Chú trọng thực hiện các hoạt động marketing kích hoạt thương hiệu phù hợp với tình hình mới; Đẩy mạnh sản phẩm ở phân khúc cao cấp và mở rộng đối tượng tiêu dùng. Tiến tới mục tiêu xây dựng Kem trở thành mặt hàng tiêu dùng thường xuyên và ưa thích của đại đa số người tiêu dùng.
Với ngành bánh, công ty dự định tung ra nhiều sản phẩm bánh bông lan, bánh tươi, thâm nhập mạnh vào các cửa hàng trên toàn quốc. Còn mảng liên doanh với công ty sữa Vinamilk, công ty dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu sản xuất thêm một số loại trà, nước trái cây...
Gần nhất, KIDO đã có thêm mô hình F&B là chuỗi Chuk Chuk, thời điểm này Chuk Chuk có khoảng 50 điểm bán, mục tiêu đến hết 2022 sẽ mở rộng lên khoảng 200 - 300 điểm. Chuk Chuk cũng tập trung nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới, tập trung phát triển đồng đều cả 03 mô hình: cửa hàng Outlet; kiosk và xe đẩy…
KIDO dự kiến mở rộng sang các ngành hàng mới như: Ngành hàng ăn vặt, ngành hàng Trung thu, ngành hàng Bánh tươi, quà biếu lễ hội…; cho ra mắt sản phẩm cà phê rang xay đóng túi và cà phê đóng chai, phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của người tiêu dùng.
Cổ đông Tập đoàn KIDO (KDC) đã thông qua giao dịch mua cổ phiếu Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (MCK: TAC) và Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (MCK: VOC). Tại thời điểm ngày 31/12/2021, KIDO đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp 85,07% vốn TAC và 87,29% cổ phần VOC. Tập đoàn KIDO sẽ uỷ quyền cho Công ty chứng khoán Rồng Việt để mua cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ tại hai công ty này.
Trên thị trường, cổ phiếu KDC chốt phiên ngày 23/3 ở mức giá 53.900 đồng/cổ phiếu.