Lý do NovaGroup liên tục thoái vốn NVL thời gian qua
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 22/06, đại diện CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) có những chia sẻ về động thái của cổ lớn NovaGroup thời gian qua cũng như hướng đi sắp tới của Công ty.
Khi được hỏi về nguyên nhân cổ đông lớn nhất của NVL là CTCP NovaGroup liên tục thoái vốn trong thời gian qua, bà Đỗ Thị Phương Lan – Thành viên HĐQT NVL cho biết NovaGroup, cũng như gia đình của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn khi Novaland gặp khó khăn đã dùng cổ phiếu NVL thuộc quyền sở hữu riêng làm tài sản bảo đảm để huy động vốn. Về mặt quản trị doanh nghiệp thì cổ đông bình thường sẽ không làm chuyện này vì đây là công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn, cổ đông chỉ có nghĩa vụ trên phần góp vào Công ty, còn cổ phiếu là tài sản riêng.
Hiện nay, khoảng 90% chủ nợ đồng ý cho NVL gia hạn nợ hoặc hoán đổi thành cổ phần các công ty đã được báo chí thường xuyên cập nhật. Tuy nhiên, có một số chủ nợ không đồng ý. Ví dụ một gói trái phiếu vài trăm tỷ sẽ có những trái chủ lo lắng đòi bán tài sản bảo đảm, qua đó dẫn đến việc cổ phiếu NVL bị bán ra thị trường như vừa qua.
Còn NovaGroup có tháo chạy hay không, việc Chủ tịch Công ty đứng ra xin lỗi, nhận trách nhiệm với cổ đông và các bên liên quan cho thấy việc tháo chạy sẽ không xảy ra.
Mặt khác, Novaland huy động vốn rất nhiều từ thị trường quốc tế, trong hợp đồng góp vốn nhiều quỹ yêu cầu điều khoản NovaGroup phải giữ tỷ lệ sở hữu nhất định tại Novaland, không được xuống dưới mức quy định nên cổ đông có thể yên tâm về việc NovaGroup sẽ không tháo chạy.
Đối với giá cổ phiếu liên tục giảm, bà Lan cho rằng không ai kiểm soát được giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể sẽ không phản ánh được giá trị doanh nghiệp. Các yếu tố tác động có thể kể đến như kinh tế vĩ mô, thị trường không có niềm tin, lãi suất tăng cao… dẫn đến tình trạng bán tháo. Cổ phiếu niêm yết đã trở thành hàng hóa theo cung cầu thị trường nên không ai có thể kiểm soát chuyện này cả, điều chúng tôi có thể làm cho doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Còn trong dài hạn, giá của cổ phiếu 100% sẽ thể hiện giá trị của doanh nghiệp. Khi trở thành cổ đông của doanh nghiệp niêm yết, cần xác định đi theo dài hạn hay chỉ đi theo thông tin này, thông tin kia do nền tảng của doanh nghiệp không thể xây dựng trong 1 năm hay thậm chí 5 năm, 7 năm.
"Cổ đông khi mua cổ phiếu NVL cần xác định mục đích để tìm được tiếng nói chung cũng như không phải lo lắng quá hay không an tâm khi Công ty đối mặt với những khó khăn nhất thời như hiện nay", bà Lan nói.
Tân Tổng Giám đốc Novaland Dennis Ng Teck Yow cho biết, khi nhận trách nhiệm làm CEO ông đã lường trước được những khó khăn có thể gặp phải. Tuy nhiên, hiện nay các dự án như Grand Manhattan, Nova World Phan Thiết và Hồ Tràm đều đã tái khởi động lại, NVL sẽ tiếp tục tái khởi động lại các dự án còn đình trệ, từ từ xây dựng lại niềm tin của người mua nhà.
Không chỉ khách hàng, các đối tác như ngân hàng cũng đã thấy được điều tích cực. Các đơn vị thi công, nhà thầu chính, nhà thầu phụ đều đã quay lại thực hiện dự án để hoàn thành dự án.
Chiến lược trong thời gian tới, ông Dennis cho biết Novaland sẽ đẩy mạnh lại việc đưa sản phẩm ra thị trường, tập trung phát triển các dự án cốt lõi. Việc thực hiện các dự án sẽ làm theo hình thức cuốn chiếu từng phân khu, từng giai đoạn.
Lên kế hoạch kinh doanh đi lùi, thay đổi cơ cấu HĐQT
Tại đại hội, cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu 9,531 tỷ đồng doanh thu và 214 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm gần 15% và hơn 90% so với kết quả của năm 2022. Công ty sẽ không chia cổ tức cho cả năm 2022 lẫn năm 2023.
Bên cạnh việc không chia cổ tức tiền mặt, NVL cũng hủy phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Mặt khác, trong năm nay, NVL sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện một số dự án tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đại hội NVL cũng đã thông qua đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước, đồng thời thông qua bầu ông Ng Teck Yow (quốc tịch Malaysia) - Tổng Giám đốc đương nhiệm NVL vào HĐQT.
Cũng liên quan đến cơ cấu nhân sự HĐQT, NVL đề xuất tăng số lượng thành viên độc lập HĐQT trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ 2 lên 3 thành viên. Sau thay đổi này, HĐQT NVL sẽ gồm 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên độc lập. Tuy nhiên, do không có cá nhân nào ứng cử vào HĐQT ngoài ông Ng Teck Yow nên HĐQT NVL sẽ hoạt động theo cơ cấu 4 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập cho đến khi bầu bổ sung 1 thành viên độc lập mới.