Gojek: Từ 20 tài xế xe ôm đến startup 10 tỷ đô của Indonesia
‘Chúng tôi bắt đầu công ty này không gì khác ngoài khao khát thay đổi mọi thứ theo hướng tốt đẹp hơn”, đồng sáng lập Nadiem Makarim chia sẻ về hành trình xây dựng Gojek.
Với dân số hơn 10 triệu dân, thủ đô Jakarta của Indonesia là một trong những đô thị đông đúc nhất và thường xuyên tắc đường nhất trên thế giới. Người dân ở đây thường bắt ojek (xe ôm) để di chuyển quãng đường ngắn. Taxi và các dịch vụ gọi xe như Uber, Grab cũng có sẵn, an toàn hơn ojek nhưng lại chậm và đắt hơn. Điều đó dẫn đến cạnh tranh dữ dội tại đây. Trong khi Uber và Grab cung cấp dịch vụ tiện nghi, khách hàng muốn đi nhanh lại chủ yếu dựa vào ojek, bất chấp rủi ro cao hơn và chất lượng không bảo đảm. Dường như mọi người bị mắc kẹt giữa sự thoải mái và an toàn.
Giải quyết lộn xộn trên đường phố Indonesia
Đó chính là lúc Gojek nhảy vào thị trường với sứ mệnh nâng cao “phúc lợi và sinh kế của người dân Indonesia”. Theo chính phủ Indonesia, tắc đường tại Jakarta gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD/năm. Bản thân nhà sáng lập Nadiem Makarim cũng thường bắt xe ôm và thấu hiểu những khó khăn của tài xế khi chờ đợi khách hàng. Ngược lại, mọi người mất nhiều thời gian để gọi được xe ôm.
Năm 2010, Nadiem Makarim và Andre Soelistyo thành lập một trung tâm chăm sóc để kết nối khách hàng với tài xế. Khi ấy, họ chỉ có 10 nhân viên và 20 tài xế ojek. Khác với hai đối thủ Grab và Uber, chỉ vận hành trên thị trường taxi, Gojek khai thác phân khúc dành cho xe ôm nhờ nắm rõ thị trường địa phương. Nếu có khách hàng gọi điện, họ sẽ rà soát danh sách tài xế và tìm ra một tài xế phù hợp để đón khách. Dù hoạt động tương đối thô sơ, Gojek giúp cho việc đi lại tại Jakarta dễ dàng. Khi công nghệ tiến bộ hơn, nền tảng Gojek cũng vậy. Năm 2015, công ty ra mắt ứng dụng riêng với bộ 3 dịch vụ và không ngừng đa dạng hóa từ đó tới nay.
Gojek ra đời loại bỏ khâu mặc cả giữa tài xế và hành khách. Nhờ vào thuật toán hiện đại, ứng dụng giúp hành khách biết giá cước trước khi đặt xe. Gojek cũng giảm sự bất ổn trong dịch vụ khi tuyển các tài xế có kinh nghiệm và đào tạo họ để bảo đảm lái xe an toàn. Bên cạnh đó, công ty tích hợp hệ thống xác minh tài xế và theo dấu phương tiện, bổ sung một lớp bảo mật cho dịch vụ. Vì vậy, hành khách an tâm hơn khi di chuyển bằng Gojek so với ojek truyền thống. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, Gojek sẽ chịu trách nhiệm.
Khi Gojek bắt đầu cung cấp dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến trong năm 2015, người bán và cổ đông đều hoài nghi. Liệu các tài xế xe ôm có đủ tin cậy để giao đồ ăn không? Chất lượng và an toàn của món ăn như thế nào? Dù vậy, Gojek vẫn quyết định ra mắt GoFood như dự kiến. Ông Soelistyo thừa nhận đó là lựa chọn không dễ dàng. “Nếu chúng tôi không nghe theo bản năng, có lẽ đã ngừng dịch vụ rồi. Tuy nhiên, chúng tôi bị thuyết phục rằng nếu tin tưởng vào người khác, họ sẽ làm được nhiều điều hơn mà họ chưa làm được”.
Xây dựng Super App
Gojek không còn là phần mềm gọi xe đơn giản như trước mà hiện tại là một Super App (siêu ứng dụng), cung cấp khoảng 20 dịch vụ trên một nền tảng, từ xe ôm đến matxa, làm đẹp theo yêu cầu. Thực tế, GoFood chính là bước tiến đầu tiên trong tham vọng trở thành siêu ứng dụng của Gojek. Nó phù hợp với sứ mệnh giảm thiểu những rắc rối trong cuộc sống của khách hàng, để mỗi giao dịch trở nên hiệu quả hơn. Năm 2014, Gojek bắt tay với hãng taxi Blue Bird để mở rộng dịch vụ Go-Car. Năm 2017, công ty lấn sân sang lĩnh vực fintech thông qua ví điện tử Go-Pay, giúp người dùng thanh toán cả trực tiếp lẫn trực tuyến hay rút tiền tại các cây ATM của ngân hàng đối tác.
Với Super App, Gojek có thể phát triển hệ sinh thái người bán, người mua và tài xế. Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tận dụng nền tảng của Gojek để kinh doanh và tiếp cận lượng khách hàng rộng hơn, còn tài xế có thu nhập tốt hơn, cải thiện cuộc sống. Gojek đang phục vụ hơn 170 triệu người dùng bằng mạng lưới hơn 2 triệu tài xế và nửa triệu người bán tại khu vực Đông Nam Á.
Gojek tin rằng công nghệ có thể mang đến lời giải cho các vấn đề hóc búa nhất của một quốc gia. Startup ghi nhận tăng trưởng bùng nổ và là startup đầu tiên trở thành unicorn (kỳ lân công nghệ) chỉ sau 4 năm và decacorn (unicorn giá trị trên 10 tỷ USD) vào năm 2019 của Indonesia. Công ty nhận được đầu tư từ nhiều tên tuổi lớn như Google, Tencent hay các doanh nghiệp lớn nhất cả nước.
Với nguồn vốn khổng lồ, Gojek có thể mở rộng thị trường ra ngoài quê hương Indonesia và cũng giành được nhiều thành tích tại nước ngoài. Để tránh lặp lại sai lầm như các đối thủ khi tấn công thị trường ngoại, Gojek lên kế hoạch một cách thận trọng và để cho các bộ phận tại nước sở tại lựa chọn có dùng tên thương hiệu của công ty mẹ không. Chẳng hạn, tại Việt Nam, họ sử dụng Go-Viet còn tại Thái Lan là Get. (Dù vậy, hiện nay tất cả đều quy về tên Gojek). Các chi nhánh hoạt động độc lập với công ty mẹ, hợp tác với những đối tác trong nước và lên kế hoạch kinh doanh xoay quanh nhu cầu của người dùng tại đây.
Gojek kích hoạt một hệ sinh thái doanh nhân khi đóng vai trò tương tự eBay, Etsy hay Amazon tại các nước. Họ tạo ra một nền tảng để người bán tiếp cận khách hàng, phát triển kỹ năng mới và gia tăng lợi nhuận. Trước khi có Gojek, tài xế ojek thường chỉ tìm kiếm hành khách ở khu vực lân cận và thu nhập không cao. Ngày nay, họ có thể dùng ứng dụng để phục vụ khách trong khu vực rộng lớn hơn hay làm thêm các công việc khác như giao đồ ăn, giao hàng. Họ không cần dùng tiền mặt mà dùng thanh toán số hay ngân hàng trực tuyến.
Gojek xem tài xế như một tệp khách hàng. Họ không trực tiếp tuyển dụng tài xế nhưng mua bảo hiểm tai nạn và đào tạo lái xe an toàn. Trong khi đó, dịch vụ Go-Food giúp các nhà hàng không cần phải thuê địa điểm ngoài mặt phố đắt đỏ để bán được đồ ăn. Mô hình giao đồ ăn qua mạng cho phép họ tiết kiệm chi phí mà vẫn có được nhiều khách hàng hơn trong phạm vi 25km từ căn bếp của mình. Theo Gojek, doanh nghiệp nhỏ gia nhập mạng lưới Go-Food có doanh số tăng trung bình 350%.
Tháng 5/2021, Gojek tuyên bố sáp nhập với Tokopedia, trở thành tập đoàn GoTo và chuẩn bị niêm yết kép trên hai sàn chứng khoán New York và Jarkarta. Andre Soelistyo đảm nhận vị trí CEO GoTo. Tình bạn giữa hai nhà sáng lập Gojek và Tokopedia giúp cho thương vụ trở thành hiện thực. Hai công ty bắt đầu hợp tác với nhau từ năm 2015 để thúc đẩy chuyển phát thương mại điện tử bằng đội ngũ tài xế Gojek.