Doanh nghiệp xây dựng gồng mình trong bão giá
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, nguồn cung một số loại thiếu hụt và tình trạng thiếu nhân công kéo dài khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành xây dựng chật vật, loay hoay…
Giá tăng, vật liệu hiếm, nhân công thiếu
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng QualiPro cứ xoay quanh câu chuyện vật liệu xây dựng và nhân công. Bởi lẽ, các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn vì giá một số loại vật liệu chính liên tục tăng và tăng cao, công xây dựng khan hiếm.
So với đầu năm, thép tăng từ 5,7%, giá bê tông tăng tới 25–35%, giá cát tăng gấp đôi, có nơi tăng gấp 3 (200-300%). Đặc biệt, tháng 5&6/2025 đã tăng đột biến. “Chỉ tính trong tháng tháng 5/2025 vừa qua, đã có những nhà cung cấp phát hành đến 3 thông báo về việc tăng giá bán”, ông Kiên cho hay.
Giá tăng cũng không có mà mua. Nhiều nhà cung cấp sau khi báo giá mới lại báo hết hàng. Không mua được vật liệu, không ít doanh nghiệp phải giãn tiến độ thi công, hoặc đề xuất điều chỉnh giá trị Hợp đồng ở một số công trình.
Nhưng điều chỉnh giá trị hợp đồng không đơn giản. Bởi theo ông Kiên, một dự án muốn điều chỉnh tổng mức đầu tư thì mất thời gian chuẩn bị rất nhiều hồ sơ, thủ tục. Trong khi chờ phê duyệt, doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành phần việc đã ký nếu không muốn bị phạt.
Do đó, không ít nhà thầu phải chịu lỗ để duy trì tiến độ thi công, trong khi những hợp đồng chưa ký thì gặp khó do đơn giá mới vượt khung gói thầu đã được thẩm định.
So với đầu năm, thép tăng từ 5,7%, giá bê tông tăng tới 25–35%
Khó khăn không chỉ nằm ở giá vật liệu. Ở nhiều công trường, tình trạng thiếu hụt lao động đang khiến các đội thi công loay hoay.
“Tại những công trình lớn, nơi từng có đến vài trăm công nhân thi công cùng lúc, giờ chỉ tìm được vài chục người làm”, ông Kiên cho hay. Một phần nguyên nhân là lực lượng lao động phổ thông đang chuyển dịch sang các khu công nghiệp.
Với áp lực đến từ giá vật liệu tăng cao, thiếu nguồn cung và thiếu lao động, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước những bài toán khó về tiến độ, tài chính và uy tín.
57% số doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng vì giá vật liệu
“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng phải đối mặt trong quý II là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao”, bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp và xây dựng (Cục Thống kê – Bộ Tài chính cho biết).
Theo kết quả khảo sát quý II/2025 của Cục Thống kê, có tới 57,2% doanh nghiệp xây dựng cho biết giá vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh – tăng 10,1 điểm phần trăm so với quý I/2025. “Đây là mức tăng mạnh nhất trong các kỳ khảo sát gần đây”, bà Phí Thị Phương Nga cho hay.
Lý giải cho biến động giá, bà Nga và ông Kiên cùng cho biết: do phía cầu đang tăng mạnh, đặc biệt đầu tư công được thúc đẩy. Các dự án giao thông lớn, nhà ở xã hội và chương trình xóa nhà tạm được triển khai đồng loạt trên khắp cả nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng cát, đá, thép, xi măng tăng vọt trong thời gian ngắn vừa qua.
Số liệu thống kê cho biết, trong quý II, có tới 76,2% doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới tăng hoặc giữ nguyên, cho thấy thị trường vẫn ở trạng thái sôi động và cạnh tranh cao về nguồn cung. Chỉ số sản xuất ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, bê tông duy trì đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cát và đá xây dựng do các mỏ hết hạn khai thác hoặc bị gián đoạn vì sạt lở, chưa được cấp phép mới.
Hiện tượng này gây ra thiếu hụt cục bộ, khiến chi phí vận chuyển tăng cao và đẩy giá thành vật liệu lên mức bất lợi. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó vì nguồn cung tuy chỉ là 21,7%, nhưng yếu tố trễ tiến độ, biến động giá và phân phối không đều khiến hiệu ứng lan rộng hơn thực tế thống kê.
Ngoài ra, yếu tố tâm lý thị trường cũng góp phần đẩy giá ngắn hạn. Một số đại lý và nhà phân phối có xu hướng giữ hàng khi thị trường đang tăng nóng, dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời. Trong lúc các dự án cần gấp vật liệu để bám tiến độ thì nguồn cung lại chậm nhịp, khiến doanh nghiệp thêm bị động trong tổ chức thi công và kiểm soát ngân sách.
“Chúng tôi rất mong sớm có giải pháp cho vấn đề giá, nguồn cung vật liệu và nhân công”, ông Kiên nói. Để giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn cát xây dựng và vật liệu san lấp, ông Vũ Chí Kiên đề nghị khẩn trương rà soát và cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu đã hết hạn và đảm bảo đáp ứng được các quy định của Nhà nước, đồng thời kiểm soát hoạt động phân phối và dự trữ ở các đại lý để giảm áp lực cục bộ.
Với các dự án sử dụng vốn ngân sách, nên có cơ chế điều chỉnh giá hợp đồng nếu vật liệu tăng vượt ngưỡng, tránh để doanh nghiệp bị kéo xuống vì chênh lệch giữa giá thực tế và đơn giá đã ký. Đồng thời, cần có các cơ chế để thúc đẩy và tăng số lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thậm chí cần nghĩ đến phương án nhập khẩu nhân công.