Doanh nghiệp xăng dầu than phải bán ruộng vườn, đất đai để bù lỗ
Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc", ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho rằng, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, khi phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
"Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ lãi nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ", ông Tây nói tại tọa đàm.
Ông Giang Chấn Tây nhấn mạnh để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) (Ảnh: Như Ý)
Theo ông Tây, một số người nói kinh doanh có lúc lời lúc lỗ. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng phát biểu như vậy là chưa chuẩn, bởi vì doanh nghiệp nào cũng quyết toán năm tài chính là trọn 1 năm, mà khi quyết toán thì 20% nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi và bù lỗ các năm trước còn lỗ. Nên doanh nghiệp bán lẻ cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh.
Dẫn Điều 166, Luật thương mại quy định "Đại lý thương mại là đại lý bán hàng để hưởng thù lao", ông Tây cho biết, trong hơn 1 năm qua, có tháng doanh nghiệp bán lẻ bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm. Như vậy, về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Do vậy, ông Tây đề nghị được thực hiện theo Điều 11 của Luật Thương mại là: "Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản".
"Từ định vị trên, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn, áp dụng theo Luật cạnh tranh, sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu để không bị chèn ép về thù lao, về nguồn hàng nhằm khắc phục tình trạng đầu mối găm hàng để hưởng chênh lệch giá", ông Tây đề xuất.
Cũng theo ông Tây, muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm.
Mới chỉ kinh doanh, chưa có thị trường xăng dầu?
Phát biểu tại tọa đàm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu.
Theo ông Ánh, chúng ta không có thị trường xăng dầu vì chúng ta can thiệp rất nhiều. Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ, đầu mối nắm quyền quyết định, còn lại bao nhiêu phía dưới điều chỉnh. Điều này mang tính độc quyền nhóm - chưa phù hợp với luật cạnh tranh.
"Thực tế cho thấy cơ quan quản lý đưa ra mức trần để các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng những năm qua, không ai cạnh tranh giá cả, mà nghiễm nhiên lấy mức trần", ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, giá phải căn cứ vào tính chất hàng hóa - đó là xăng dầu. Phải tạo được tính độc lập cho bên phân phối, giảm sự phụ thuộc vào đầu mối".
Ông Ánh cũng đề xuất sửa luôn cơ quan quản lý giá xăng dầu, cụ thể hơn là Bộ Tài chính chuyển về cho Bộ Công Thương. Ông Ánh tin rằng Bộ Công Thương sẽ có cách điều chỉnh giá nhịp nhàng, phù hợp hơn.