Doanh nghiệp vận tải đau đầu với giá xăng, loay hoay tìm cách sống sót
Những tưởng giá xăng sẽ được giảm mạnh từ kỳ điều hành vào 0h ngày 1/4 vừa qua, song thực tế giá xăng chỉ giảm nhẹ hơn 1.000 đồng/lít, còn giá dầu tăng khoảng 1.500
Càng chạy càng lỗ nhưng tăng cước sẽ mất khách
Ngày 1/4 vừa qua, Liên bộ Công thương - Tài chính đã phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu, trên cơ sở thực hiện nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/4 đến 31/12/2022.
Theo đó, mặc dù xăng được giảm 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường, nhưng với biến động tăng giảm đan xen của giá thế giới, cộng thêm việc thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nên giá xăng có mức giảm thấp hơn.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít, từ mức 28.330 đồng/lít giảm còn 27.309 đồng/lít.
Xăng RON95-III giảm 1.039 đồng/lít, từ 29.190 đồng/lít giảm còn 28.153 đồng/lít.
Đối với dầu, mặc dù được giảm thuế bảo vệ môi trường 50% với các mặt hàng dầu, tương ứng 1.000 đồng/lít, kg nhưng do đà tăng mạnh của giá thế giới, trong kỳ điều hành này giá các mặt hàng dầu đã bật tăng trở lại sau một phiên giảm mạnh.
Cụ thể, dầu diesel tăng 1.447 đồng/lít, từ giá 23.638 đồng/lít đã lên mức 25.080 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.519 đồng/lít, từ mức 22.248 đồng/lít tăng lên 23.764 đồng/lít. Dầu mazut tăng 506 đồng/lít, lên mức 20.929 đồng/lít.
Để có mức giá như trên, cơ quan quản lý đã thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít và RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không trích lập.
Chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước không chi) và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối các mặt hàng xăng dầu khác.
Giá xăng dầu đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014, nên với việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, được kỳ vọng sẽ kìm hãm một phần đà tăng giá trong thời gian tới.
Nhận định về mức điều chỉnh xăng dầu mới nhất, bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng - chuyên vận chuyển hàng tuyến Bắc - Nam cho hay, các doanh nghiệp (DN) vận tải kỳ vọng với mức giảm của thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng dầu sẽ giảm mạnh hơn nữa. Mức tăng - giảm xăng dầu như vừa qua thực sự không có nhiều tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh vận tải vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều xe phải "đắp chiếu" nằm chờ...
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Vận tải Kim Phát ái ngại khi nói đến mức điều chỉnh giá xăng dầu.
Ông Thanh cho hay, xe container sử dụng nhiên liệu dầu với khoảng 40% trong chi phí giá vận chuyển. Từ giữa năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 50%, tương ứng mỗi chuyến xe chi phí tăng hơn 500.000 đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá cước theo mức đó mà chỉ có thể tăng từ 5 - 7%.
Các doanh nghiệp vận tải đều chia sẻ, nếu tăng giá cước mạnh chắc chắn sẽ mất khách, nhưng nếu không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ thì với đà tăng của giá xăng dầu hiện nay doanh nghiệp càng chạy càng thua lỗ.
Các tỉnh thành trung tâm đã vậy, các doanh nghiệp vận tải ở khu vực miền núi đặc thù lại “khó càng thêm khó”.
Trao đổi với báo VOV, Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty CP Vận tải Trường Thanh, Tp.Điện Biên Phủ cho biết: “Công ty có gần 10 đầu xe thì đã phải tạm dừng, hoạt động cầm chừng trong gần 1 tháng nay. Thiệt hại bước đầu ghi nhận đã lên tới khoảng 300 triệu đồng khi các đầu xe không được hoạt động đầy đủ, trong khi vẫn phải duy trì tiền lương để giữ chân người lao động”.
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc công ty CP Đường bộ 226 chia sẻ, do ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao, một số công trình thi công trong thời gian ngắn đã không được điều chỉnh về đơn giá dự toán dẫn đến các chi phí vận chuyển, chi phí máy và đơn giá vật liệu tăng khoảng 20%.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Theo đánh giá của ông Huy, việc giảm giá nhiên liệu từ hôm nay 1/4 mới chỉ phần nào tháo gỡ khó khăn nhỏ cho DN, do đó cần được Chính phủ, các Bộ, ngành có những cơ chế điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là đối với các khu vực vùng miền khó khăn về giao thông như Tây Bắc.
“So với mức giảm tới đây giá xăng dầu chỉ tháo gỡ được phần nào khó khăn cho DN, bởi giá xăng, dầu vừa qua tăng ở mức độ đột biến. Mong muốn của DN là cơ chế chính sách Nhà nước sẽ tiếp tục tháo gỡ để hỗ trợ cho các DN, đặc biệt trong công tác xây dựng dự toán điều chỉnh giá đi sát theo điều kiện thực tế”, ông Huy đề xuất.
Với 20 đầu xe chủ yếu chạy tuyến đường dài, từ sau khi Chính phủ khôi phục lại hoạt động vận tải khách đến nay, Công ty TNHH MTV Ngân Hà Lai Châu (tỉnh Lai Châu) cũng chỉ đưa vào hoạt động được 50% công suất phương tiện. Nguyên nhân được đại diện DN đưa ra là giá dầu tăng quá cao, nhu cầu đi lại của hành khách chỉ bằng 1/4 so với thời điểm trước dịch, trong khi chi phí tăng nên DN “thu không đủ bù chi”.
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Hà chia sẻ, tuyến phục vụ của đơn vị chủ yếu là các tỉnh miền xuôi, với chặng đường cả đi và về trên 1.000km, chi phí xăng dầu chiếm từ 35% - 40% giá vận tải. Với mức giảm đề xuất hơn 1.000 đồng/lít, mỗi chuyến đơn vị cũng chỉ giảm được khoảng 300.000 đồng. Nhà nước có chia sẻ với DN, nhưng mức giảm như hiện nay là không đáng kể để DN phục hồi lại hoạt động vận tải như trước đây.
Có thể thấy, giá nhiên liệu tăng cao vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đối với các đơn vị vận tải hành khách. Dù mức giảm giá từ 1/4 được đánh giá là không nhiều, song việc điều chỉnh lại giá nhiên liệu theo Nghị quyết số 18 cũng đã cho thấy sự vào cuộc của Quốc hội nhằm cứu cánh lại các công ty, DN trên bờ vực phá sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng đột biến.