Doanh nghiệp dịch vụ hàng không báo lãi khiêm tốn
Các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đã có một năm vượt khó, có lãi dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh ngành hàng không trong nước trải qua năm khó khăn nhất trong lịch sử, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại sân bay cũng điêu đứng. Hầu hết các doanh nghiệp đều báo lãi dương, tuy nhiên, có doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch năm, có doanh nghiệp lại ghi nhận lãi thấp nhất lịch sử.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - mã chứng khoán: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Khi ngành hàng không vẫn chưa thể phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn gần như "đóng băng" dài, SAS báo lãi "khiên tốn".
Trong quý IV/2021, Sasco đạt doanh thu thuần chỉ 61 tỷ đồng, sụt giảm hơn 70% so với cùng kỳ 2020. Trong khi các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất chưa được khôi phục trong quý vừa qua, tần suất khai thác các chuyến bay nội địa cũng thấp so với cùng kỳ năm trước khi các đường bay mới được nối lại từ tháng 10.
Không chỉ riêng Sasco khó khăn, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết cũng gặp tình trạng tương tự khiến phần cổ tức, lợi nhuận công ty nhận được giảm mạnh. Do đó, thu nhập từ hoạt động tài chính của Sasco trong 3 tháng cuối năm 2021 chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu quá thấp nên dù các chi phí giảm mạnh so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty do doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT trong quý IV/2021 chỉ còn 2,8 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước 95%.
Lũy kế cả năm 2021, doanh số của doanh nghiệp sở hữu hệ thống phòng chờ, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất đạt 321 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với năm 2020. Sasco lãi chỉ 3,2 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục của Sasco từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Giải trình kết quả kinh doanh, Sasco cho biết dịch Covid-19 phức tạp đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, hạn chế sức mua của khách hàng tại thị trường nội địa Tân Sơn Nhất. Các chuyến bay thương mại đi và đến sân bay cũng làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của Sasco.
Tính hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Sasco đạt hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng sau 12 tháng. Công ty của ông Hạnh Nguyễn đã chủ động giảm mạnh giá trị hàng tồn kho từ hơn 135 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn chưa đến 20 tỷ đồng vào cuối năm. Một lý do khác khiến tổng tài sản của Sasco sụt giảm là công ty giảm hơn 100 tỷ đồng tiền phải trả nhà cung cấp. Nợ phải trả của công ty này là 130 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của công ty chưa đến 10%. Đặc biệt, Sasco chỉ có đúng 2 tỷ đồng vay nợ ngân hàng.
Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (mã chứng khoán: SCS) Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (mã chứng khoán: NCT) cũng đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 và luỹ kế cả năm 2021.
Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngành dịch vụ hàng không trong nửa cuối năm 2021, khi dịch bệnh đã "tấn công" vào trung tâm giao thông lớn của Việt Nam là Tp.HCM. Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển hàng hoá hàng không lại tăng lên khiến cách công ty ngành dịch vụ hàng không vẫn hoàn thành kế hoạch năm 2021.
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của SCS đạt 262,7 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm chủ yếu là doanh thu khai thác nhà ga, đạt gần 250 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính được tiết giảm xuống còn 51 triệu đồng trong khi cùng kỳ mất đến 368 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, SCS báo lãi 159 tỷ đồng, tăng 23% so với mức 128 tỷ đồng quý IV/2020.
Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu SCS đạt 839 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 564 tỷ đồng tăng 22% so với mức 464 tỷ đồng đạt được cả năm 2020.
Giải trình kết quả kinh doanh, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn Nguyễn Quốc Khánh cho biết dịch Covid-19 khiến công ty gặp khó khăn trong việc cung ứng nguyên vật liệu. Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không tăng lên khiến sản lượng phục vụ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ. Ngoài ra, năm 2021 công ty đã quản lý tốt dòng tiền khiến thu nhập tài chính tăng đáng kể. Điều này dẫn đến lợi nhuận năm 2021 tăng.
Năm 2021, SCS đặt mục tiêu doanh thu 780 tỷ đồng, tăng 12,5%; lợi nhuận trước thuế 540 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Như vậy, SCS vượt 2% mục tiêu về doanh thu và 12% chỉ tiêu lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo) có một năm "vượt khó" thành công với các chỉ tiêu kinh doanh đều ghi nhận tương đối khả quan.
Cụ thể, trong quý IV/2021, doanh thu Noibai Cargo đạt 215 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của NCT đạt 89,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 84,7 tỷ đồng quý IV/2020. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng ghi nhận tăng hơn 4 tỷ đồng lên 69,2 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, NCT báo lãi sau thuế 55,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý IV/2020.
Luỹ kế cả năm 2021, Noibai Cargo đạt doanh thu 742 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó doanh thu xử lý hàng hóa đạt 308,4 tỷ đồng; doanh thu phục vụ hàng hóa đạt 220 tỷ đồng; doanh thu lưu kho đạt 92,1 tỷ đồng và doanh thu khác đạt 120,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 224 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020.
Năm 2021, Noibai Cargo đặt mục tiêu đạt 705 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2021, Noibai Cargo vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.