Điểm mặt 7 startup trong và ngoài nước đã nhận hơn 100 triệu USD đầu tư từ VNG
Với VNG, Zalo là ‘đứa con’ mà ‘bỏ thì thương vương thì nợ’; nhưng đến thời điểm này họ đã không còn đường lùi. Vậy nên, ‘kỳ lân’ đầu tiên của giới khởi nghiệp Việt đành tiếp tục vung tay chi tiền đầu tư vào các startup trong các lĩnh vực khác nhau như Got It, Telio, Funding Societies, Tiki…; để hy vọng đến 1 ngày nào đó, chúng sẽ bổ trợ Zalo - Zalo Pay mang nhiều tiền về cho công ty mẹ - đặc biệt là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân và cả B2B.
Trong khoảng vài năm gần đây – cụ thể là bắt đầu từ năm 2020, VNG đã đầu tư vào các doanh nghiệp, cả startup lẫn các doanh nghiệp SMEs ở cả trong vài ngoài nước. Giữa năm 2021, trong Báo cáo tài chính bán niên, VNG từng cho biết họ đã đổ khoảng 110 triệu USD để đầu tư vào các doanh nghiệp khác nhau.
Tuy nhiên, sự thật là chẳng ai biết rõ ràng danh mục đầu tư của VNG trông như thế nào. Vậy nên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những thương vụ đầu tư của VNG vào các startup mà họ đã công bố với truyền thông. Theo thống kê của chúng tôi, VNG đã đầu tư 102,5 triệu USD vào 7 startup là Tiki, Ecotruck, Haegin, Got It, Telio, Funding Societies, OpenCommerce.
2,5 NĂM SAY MÊ ĐẦU TƯ KHỞI NGHIỆP CỦA VNG
Với những startup mà chúng ta đề cập trong bài này, trừ Tiki được VNG rót tiền năm 2016, thì 6 cái tên còn lại được VNG để mắt đến bắt đầu từ năm 2020.
Tiki: năm 2016, VNG đã rót 385 tỷ đồng, tương đương 17 triệu USD vào sàn thương mại điện tử Tiki, để sở hữu 38% cổ phần của startup này. Tỷ lệ sở hữu của VNG tại đây giảm dần về 28,8% rồi về 22,27% vào cuối năm 2020 với giá trị vốn góp là 510 tỷ đồng. Cuối năm 2021, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki chỉ còn 15,18%.
Báo cáo thường niên năm 2020 của VNG cho biết công ty ghi nhận lỗ 3,84 tỷ đồng trong năm 2020 cho khoản đầu tư vào Tiki, lỗ luỹ kế của khoản đầu tư là hơn 510 tỷ đồng.
Got It: vào tháng 3/2021, VNG đã đầu tư 138 tỷ đồng, tương đương 6 triệu USD vào công ty quà tặng điện tử Got It.
Bên cạnh duy trì và thúc đẩy mảng quà tặng doanh nghiệp (B2B), Got It đang đặt mục tiêu trở thành dịch vụ quà tặng cho cá nhân hàng đầu trên ứng dụng Zalo và Zalo Pay của VNG, cụ thể là thông qua nền tảng này phát triển mô hình quà tặng cá nhân tới cá nhân (P2P). Ngược lại, sự xuất hiện của Got It sẽ tăng thêm tiện ích cho người dùng Zalo và Zalo Pay.
Telio: vào tháng 11/2021, VNG đã chính thức đồng hành cùng Telio bằng cách rót 22,5 triệu USD, tương đương 510 tỷ đồng, trong vòng gọi vốn Pre-Series B của doanh nghiệp này.
Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam, liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.
Đồng thời, giải pháp thanh toán qua ví điện tử ZaloPay sẽ được triển khai tại các cửa hàng bán lẻ. Từ đó, VNG cùng với Telio sẽ mang đến cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính và tín dụng, hỗ trợ mở rộng kinh doanh.
Funding Societies: vào 2/2022, trong vòng gọi vốn Series C, Funding Societies đã huy động được tổng cộng 144 triệu USD. Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi SoftBank Vision Fund 2 cùng với các nhà đầu tư mới: VNG Corporation, Rapyd Ventures - nhà đầu tư toàn cầu EDBI tại châu Á, Indies Capital, K3 Ventures và Ascend Vietnam Ventures. VNG đã đầu tư 22,5 triệu USD.
Funding Societies là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay vốn B2B trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á. Sau 7 năm hoạt động, Funding Societies đã được cấp phép và đăng ký hoạt động tại 6 quốc gia trong khu vực: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam. Cách đây chưa lâu, startup này đã chính thức ra mắt ở thị trường Việt Nam. Các khoảng vay của startup này cho các chủ cửa hàng hoặc startup thường ngắn ngày và dưới 1 triệu USD.
Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG, cho biết: "Tài trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là một hoạt động quan trọng của Fintech - lĩnh vực kinh doanh mà VNG dành nhiều sự quan tâm.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế, các SME thường khó tiếp cận các khoản vay kinh doanh truyền thống. Do đó, chúng tôi quyết định đầu tư vào Funding Societies, công ty tài trợ vốn cho các SME hàng đầu ở Đông Nam Á, bởi họ có những sản phẩm và tầm nhìn rất phù hợp với sứ mệnh của VNG".
Ông Kelly Wong - Phó Tổng giám đốc của VNG (bìa phải) đang chia sẻ trong buổi ra mắt Funding Societies ở thị trường Việt Nam.
OpenCommerce Group (OCG): vào tháng 2/2022, VNG và Do Ventures đã cùng đầu tư 7 triệu USD vào OCG - trong vòng gọi vốn Series A; trong đó, VNG đã đầu tư 5 triệu USD.
OCG được sáng lập vào năm 2014; hỗ trợ người dùng có thể bắt đầu kinh doanh qua các hình thức dropshipping hay print-on-demand (in theo yêu cầu).
Chúng là các hình thức hỗ trợ xử lý hàng hoá bán lẻ thương mại điện tử mà nhà bán hàng không cần phải duy trì các kho hàng vật lý. Bên cạnh đó, OCG cũng có bộ công cụ giúp quản lý đơn hàng, marketing, giao hàng và thanh toán. Hiện tại, OCG đang có 3 sản phẩm là ShopBase, Print Base và Plus Base.
Người phát ngôn của VNG cho biết: OCG là một trong số ít các công ty ở Việt Nam có sản phẩm cạnh tranh được với các công ty quốc tế trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Thương vụ đầu tư này đồng thời nhấn mạnh cam kết của VNG trong việc hỗ trợ các công ty tiềm năng của Việt Nam vươn ra thế giới.
Ecotruck: vào tháng 3/2022, VNG quyết định đầu tư thêm 50 tỷ đồng vào EcoTruck. Trước đó, vào tháng 12/2020, VNG cũng đã đầu tư 85 tỷ đồng trong vòng gọi vốn series A của Start-up logistics công nghệ này. Như thế, sau 2 lần xuống tiền, VNG đã rót vào EcoTruck tầm 7 triệu USD.
Haegin: Ở vòng gọi vốn Series B, Haegin đã huy động được tới 100 tỷ KRW, tương đương 81 triệu USD, để gia nhập hàng ngũ các công ty "kỳ lân" tại Hàn Quốc. VNG cho biết họ đã góp mặt trong vòng gọi vốn này cùng với các quỹ đầu tư khác của Hàn Quốc, nhưng không tiết lộ số vốn đã đầu tư.
Vì VNG không công bố rõ số tiền họ đã đầu tư vào Haegin, nên chúng tôi giả thiết đó sẽ là con số lớn nhất mà họ đầu tư vào một startup là 22,5 triệu USD.
Đại diện VNG cho hay: thông qua việc rót vốn vào Haegin, VNG không chỉ mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế mà còn hướng tới trở thành một nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực Metaverse.
Thành lập năm 2017, Haegin là công ty mobile game đầu tiên được giao dịch trên sàn KOSDAQ của Hàn Quốc. Công ty này ra mắt thị trường thế giới hàng loạt game đa thể loại như Home Run Clash, Overdogs, hay Play Together.
VNG đang bắt đầu phân phối game Play Together tại thị trường Việt Nam với tên gọi Play Together VNG.
Trong đó, Play Together đã đạt 80 triệu lượt tải toàn cầu và 4 triệu người dùng hàng ngày (DAU) trong chưa đầy một năm phát hành. Trò chơi này còn thu hút sự quan tâm của thị trường Metaverse toàn cầu khi Haegin ký hợp tác chiến lược với các đối tác như IPX, Genie Music, Daehong Planning và Dot Mill.
VNG từng đầu tư 33 tỷ đồng vào công ty sản xuất trò chơi Doracat Entertainment, nhưng giờ họ đã thoái vốn và chuyển hướng sang đầu tư doanh nghiệp khác. Trong năm 2021, tất cả các khoản đầu tư của họ vào các startup đều lỗ, trừ Got It.
VÌ SAO VNG LẠI QUAN TÂM ĐẾN STARTUP?
Giải thích về lý do mà VNG liên tục rót tiền vào các công ty startup trong thời gian gần đây, ông Jianggan Li – Foudner kiêm CEO công ty tư vấn đầu tư Momentum Works, nhận định: khi thị trường game trở nên cạnh tranh và khó đoán với sự xuất hiện của những ngôi sao mới nổi như Sky Mavis, VNG cần phải nhanh chóng xoay chuyển kế hoạch mở rộng của mình.
Theo ông Li, có hai con đường tiềm năng mà VNG có thể đi: mở rộng thị trường game ra thế giới hoặc tham gia các lĩnh vực game mới – như NFT/Metaverse và mở rộng ngành nghề kinh doanh. Với danh mục đầu tư như ở trên, thì rõ ràng VNG chọn cả hai con đường.
VNG được thành lập vào năm 2004, 5 năm trước Garena (sau này đổi thành Sea Group) và cả hai đều có mô hình kinh doanh giống nhau. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trôi qua, Sea Group đã trở thành một công ty trị giá vài chục tỷ USD với danh mục kinh doanh đa dạng trên toàn cầu, thì VNG phần lớn vẫn là một công ty game với "lợi nhuận tốt nhưng định giá không tăng nhiều’, thậm chí có năm còn lỗ.
Còn theo ông Nguyễn Hải Nam - Nhà quản lý tại công ty fintech AI Paretix, đây là thời điểm thích hợp để VNG thâm nhập thị trường cho vay B2B cho các chủ cửa hàng, startup, SMEs (MSMEs)…. Ông Nam cũng chỉ ra: VNG cần chinh phục 3 lĩnh vực để làm chủ phân khúc MSME gồm: cộng đồng doanh nghiệp, dữ liệu và công cụ hỗ trợ (mạng xã hội, cổng thanh toán).
Trước đây, VNG không mạnh trong mảng phân khúc cộng đồng SMEs, đó là lý do tại sao họ đầu tư vào Telio, công ty có mạng lưới đại lý 35.000 cửa hàng tại 26 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, nền tảng xã hội Zalo với hơn 64 triệu người dùng hàng tháng được coi là mỏ vàng của VNG.
Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG và là người anh cả của giới khởi nghiệp Việt Nam.
Với những cái tên như Zalo, Zalo Pay, Telio, OpenCommerce Group, Funding Societies, Tiki…; VNG có vẻ đang rất quyết tâm chiếm cho bằng được miếng bánh lớn trong thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân và cả B2B – đặc biệt là các chủ cửa hàng tham gia thị trường TMĐT, trong lẫn người nước.
VNG LỖ LIÊN TỤC, VẬY HỌ LẤY TIỀN ĐÂU ĐỂ ĐẦU TƯ?
Theo Báo cao tài chính năm 2021 của VNG, công ty báo lỗ 71 tỷ đồng sau thuế trong khi năm 2020 lãi 201 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vẫn dương - đạt 414 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cổ đông không kiểm soát âm 485 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ CTCP Zion - đơn vị chủ quản của ví điện tử Zalo Pay.
VNG hiện sở hữu 60% cổ phần của đơn này và gần như toàn bộ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát (485 tỷ đồng) tương ứng với 40% mức lỗ trong năm 2021 là của Zion. Như vậy, trong năm 2021, Zion đã lỗ khoảng 1213 tỷ đồng. Năm 2020, Zion lỗ 667 tỷ đồng, có nghĩa mức lỗ đã tăng lên gấp 1,8 lần.
Zalo - 'mỏ vàng' chưa được khai thác hiệu quả của VNG.
Hiện tại, hai mảng chính tạo nên doanh thu – lợi nhuận của VNG là game và quảng cáo trực tuyến. Cụ thể, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến của CTCP VNG đem về 1.001 tỷ đồng doanh thu năm 2021, tăng 18 tỷ đồng so với năm trước đó. Ngoài ra, họ còn có doanh thu từ mảng điện toán đám mây.
Ở khía cạnh khác, trong ĐHCĐ năm 2021, VNG đã trình đại hội thông qua kế hoạch chào bán Cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước để phù hợp với quy định mới của Luật Chứng khoán.
Số tiền thu về từ chào bán cổ phần dự kiến sẽ được họ sử dụng để mở rộng và phát triển thị trường (cả trong và ngoài nước), tiếp tục đầu tư cho các mảng kinh doanh chiến lược và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup tiềm năng.