Chiếm lĩnh trên 50% thị phần trang sức, PNJ chưa dừng lại
Lãnh đạo PNJ cũng cho biết quy mô thị trường bán lẻ trang sức trung cấp, cao cấp đang mở rộng và doanh nghiệp này có thể mở thêm 35-40 cửa hàng trong năm 2022.
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) mới đây đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022. Tại đây, lãnh đạo PNJ đã trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh kết quả kinh doanh và định hướng trong năm 2022 của doanh nghiệp này.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết về kết quả kinh doanh, trong quý I/2022, PNJ tăng trưởng khoảng 42-43% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này cũng lên kế hoạch mở mới nhiều cửa hàng trong năm nay.
Trong năm 2021, PNJ mở mới 20 cửa hàng Gold và một cửa hàng Style; trong khi đóng 21 cửa hàng để tái cơ cấu hệ thống bán lẻ đến vị trí đắc địa hơn. Doanh nghiệp kinh doanh trang sức ghi nhận 342 cửa hàng tại cuối năm ngoái.
Sang năm 2022, ông Lê Trí Thông cho biết PNJ có dự định mở mới 35-40 cửa hàng. "Tuy nhiên, công ty tiếp tục quan sát về tình hình thị trường, nếu thuận lợi có thể mở hơn nữa". Ông Thông cho biết, trong trường hợp thuận lợi, đại gia ngành trang sức có thể mở đến 50 cửa hàng/năm.
Kế hoạch được xây dựng trên dự báo trong tương lai, xu hướng tiêu dùng của nhóm trung lưu Việt Nam sẽ tăng lên. Đây cũng là phân khúc PNJ tập trung khai thác nên tăng trưởng của PNJ vẫn sẽ tiếp tục cùng với thị trường và dân số Việt Nam, ông Lê Trí Thông cho hay.
"Mặc dù công ty đã chiếm hơn 50% thị phần nhưng PNJ vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai", ông nói. Lãnh đạo PNJ cho rằng phân khúc trung cấp, cao cấp tiếp tục mở rộng hàng năm tại Việt Nam theo cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Đánh giá rủi ro cho việc phát triển kinh doanh năm 2022, ông Thông cho rằng rủi ro lớn nhất là các vấn đề lạm phát, chính sách tiền tệ. Thực tế, dấu hiệu lạm phát đã xuất hiện từ quý III, quý IV năm ngoái tại một số nước châu Âu và trong tháng 3/2022, xung độ Nga-Ukcraia cũng đã ảnh hưởng việc cung ứng của thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ sẽ tác động tích cực đến sức mua của thị trường.
Tại đại hội, các cổ đông cũng đặt câu hỏi về công suất nhà máy hiện tại và kế hoạch nâng công suất của PNJ trong năm 2022. Về vấn đề này, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết hiện công ty đang tập trung vào đổi mới tăng năng suất, đầu tư. Tại nhà máy Long Hậu, đây là nhà máy đang sử dụng thuê tạm, không dài hạn nhưng công suất năm nay sẽ tăng thêm 1-2 line hàng cho phát triển hàng trang sức vàng, thay vì trước đây chỉ làm bạc và hàng style, quà tặng; nhà máy tại quận Gò Vấp (Tp.HCM) cũng gần hết công suất. Công suất hiện nay là 4 triệu sản phẩm và nhà máy đã hoạt động hết công suất, bà Dung cho hay.
Giải đáp thắc mắc về việc có đang kinh doanh kim cương hay không, bà Dung khẳng định PNJ thực hiện đầy đủ chức năng về kinh doanh vàng bạc đá quý, do vậy có bán kim cương tại các hệ thống.
"PNJ có cả phòng kiểm định kim cương hàng đầu châu Á và đang là đơn vị kinh doanh kim cương lớn nhất Việt Nam về doanh số. PNJ là đơn vị duy nhất nhập khẩu kim cương thay vì mua lại trong nước, do đó cũng nộp thuế nhập khẩu lớn", bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Sang năm 2022, PNJ đã thông qua kế hoạch mục tiêu doanh thu thuần 25.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 28% so với kết quả thực hiện năm liền trước.
Kết thúc năm 2021 trước đó, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 19.600 tỷ đồng, tăng gần 12% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và mới đạt 84% mục tiêu năm 2021.
Tại đại hội, cổ đông PNJ cũng thông qua phương án phát hành 82 triệu cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 3:1 từ nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận để lại. Nếu thành công, doanh nghiệp bán lẻ trang sức sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 2.276 tỷ đồng lên hơn 3.096 tỷ đồng.
Về nhân sự, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT tái nhiệm nhiệm kỳ mới 2022-2027. Ông Đào Trung Kiên được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT.