Cách để Singapore Airlines vượt qua bão dịch
Có thời điểm, Singapore Airlines thậm chí đã biến một trong những chiếc siêu máy bay A380 của mình thành nhà hàng pop-up để có chi phí tồn tại qua dịch bệnh.
Một ngày sau khi thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đóng cửa vào tháng 1/2020, Giám đốc điều hành (CEO) Goh Choon Phong của Singapore Airlines Ltd đã triệu tập cuộc họp nhằm ứng phó với khủng hoảng tại trụ sở công ty Airline House ở cuối đường băng của Sân bay Changi Singapore (SIN). Câu hỏi đặt ra vào thời điểm điểm đó rằng: Tình hình sẽ trở nên tồi tệ như thế nào?
Làn sóng Covid-19 tràn tới
Trong vòng vài tuần, khi Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố hơn để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút Covid-19 và các nước khác cũng bắt đầu đóng cửa biên giới quốc gia, CEO Goh cùng các giám đốc điều hành khác đã nhận ra nếu không nhanh chóng hành động quyết liệt thì hãng hàng không mà Singapore đã dành 7 thập kỷ để xây dựng trở thành một trong những hãng vận chuyển quốc tế lớn nhất và danh tiếng nhất trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động.
Giám đốc Goh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tuần này: “Vào thời điểm đó, chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc về tình hình”, không thể coi việc công ty sẽ được cứu trợ là đương nhiên.
Trong khi nhiều hãng hàng không trên khắp thế giới nộp đơn phá sản hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà nước để tồn tại, vấn đề nổi trội trong những tuần họp căng thẳng đó của hãng hàng không hàng đầu Singapore là đề ra một chiến lược mới không chỉ giúp hãng vượt qua đại dịch mà còn tận dụng tình trạng suy yếu của các đối thủ cạnh tranh khi du lịch bắt đầu phục hồi.
Giám đốc Goh cho biết: “Vi-rút đã lan rộng khắp thế giới và các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới. Vì vậy, chúng tôi đặt ưu tiên hàng tiền một cách rõ ràng là đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để tồn tại lâu hơn cuộc khủng hoảng”.
Liên tục được bình chọn là top 3 hãng hàng không hàng đầu thế giới trong suốt thập kỷ qua, nhưng không giống các đối thủ khác như Qantas Airways Ltd (Australia) hay Delta Air Lines Inc (Mỹ), Singapore Airlines không có thị trường nội địa. Đến tháng 4/2020, hoạt động của hãng chỉ còn ở mức 3% so với công suất trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chìa khóa để tồn tại
Ông Lee Lik Hsin, Phó chủ tịch điều hành Thương mại của Singapore Airlines cho biết chìa khóa để tồn tại là thuyết phục các nhà đầu tư chi tiền cho một doanh nghiệp hàng không tiêu tốn tới 400 triệu SGD (291 triệu USD) mỗi tháng.
Ông Lee chia sẻ vào ngày 19/5: “Các bên liên quan đã ủng hộ chúng tôi rất mạnh mẽ. Họ nhận ra tầm quan trọng của Singapore Airlines đối với vai trò trung tâm (hub) Singapore và sau đó là vai trò đối với nền kinh tế Singapore nói chung”.
Việc các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng mua cổ phiếu và trái phiếu đã minh chứng một phần cho vị thế của hãng hàng không này đối với đất nước - thương hiệu toàn cầu hàng đầu của Singapore và là niềm tự hào lâu dài của nhiều người dân.
Sự hỗ trợ từ công ty đầu tư Nhà nước Temasek Holdings Pte có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc gây quỹ. Ông Goh Chia Hock, nhà đầu tư cá nhân 57 tuổi đã mua trái phiếu của hãng hàng không, chia sẻ: “Singapore Airlines là hãng hàng không quốc gia mà Temasek là cổ đông lớn nhất trong đó. Tôi không nghĩ rằng Temasek sẽ để hãng phá sản".
Singapore Airlines đã huy động được tổng cộng 22,4 tỷ SGD kể từ tháng 4/2020, bao gồm 15 tỷ SGD từ các cổ đông thông qua việc bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
Giám đốc điều hành Goh của Singapore Airlines cho biết trong một cuộc họp báo tháng 5: “Chúng tôi từng chưa bao giờ có nhu cầu tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ khác nhau. Chúng tôi đã học được rất nhiều về việc tổ chức quá trình nhận được các khoản tài trợ đó theo cách tốt nhất”.
Việc giảm lương đã được thực hiện trên toàn công ty, một số nhân viên nghỉ hưu sớm trong khi phi hành đoàn tạm thời được phép làm việc tại các bệnh viện và công ty vận tải. Có thời điểm, hãng hàng không này thậm chí đã biến một trong những chiếc siêu máy bay A380 của mình thành một nhà hàng pop-up để thu phí 642 SGD cho một bữa ăn.
Nhưng chiến lược mà Singapore Airlines theo đuổi không chỉ nhằm mục đích duy trì tồn tại, sự gián đoạn lớn nhất trong lịch sử hàng không cũng mang đến cơ hội để hãng mở rộng hiện diện trên toàn cầu.
Ông Shukor Yusof, người sáng lập hãng nghiên cứu hàng không Endau Analytic có trụ sở tại Malaysia, chia sẻ: “Hầu hết các hãng hàng không trong khu vực đều bị đại dịch Covid-19 tác động đến cấu trúc hoặc cạn kiệt tài chính. Đến thời kì hậu đại dịch, đây là hãng hàng không được nhiều người lựa chọn để du lịch đến Đông Nam Á”.
Hãng hàng không đã được hưởng lợi khi Singapore là một trong những nước đầu tiên trong khu vực mở cửa biên giới quốc gia, ban đầu cho phép nhập cảnh mà không cần cách ly đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ từ một số nước nhất định vào cuối năm ngoái. Kể từ đó, hầu hết các hạn chế còn lại đã được loại bỏ.
Hãng cũng có thể khôi phục công suất nhanh hơn so với một số đối thủ vì hầu hết các phi công vẫn tiếp tục và phi hành đoàn trở lại, dù trước đó nhiều người đã làm công việc tạm thời trong các lĩnh vực khác.
Vào cuối tháng 3/2022, các hãng hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hoạt động chỉ ở mức khoảng 18% công suất trước khi đại dịch bùng phát, so với 47% của Singapore Airlines. Một số tuyến của hãng vận chuyển Singapore, bao gồm cả các tuyến đến London và New York, đã hoạt động trở lại bình thường và thậm chí bổ sung thêm dịch vụ.
Hợp tác trong khu vực
Ngay cả trước Covid-19 lây lan mạnh, một số đối thủ của Singapore Airlines trong khu vực đã gặp khó khăn. Thai Airways International Pcl và PT Garuda Indonesia đều báo cáo thua lỗ, trong khi Malaysia Airlines Bhd đã bị quỹ tài sản quốc gia Khazanah Nasional Bhd mua lại vào năm 2014 sau 2 thảm họa hàng không thảm khốc ảnh hưởng đến hình ảnh của hãng.
Năm 2020, Tập đoàn hàng không Malaysia bắt đầu tái cơ cấu khẩn cấp bao gồm nỗ lực đàm phán với các công ty cho thuê và chủ nợ để giải quyết 15 tỷ ringgit (3,4 tỷ USD) nợ phải trả.
Vào tháng 11/2021, Singapore Airlines thông báo họ đang mở rộng thỏa thuận liên danh với Malaysia Airlines tới 15 điểm đến nội địa của Malaysia, 7 địa điểm ở châu Âu và 2 thành phố Nam Phi. Hai hãng có kế hoạch củng cố thỏa thuận kinh doanh chung, sau đó đã được Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore (CCCS) chấp thuận có điều kiện.
Cùng tháng 11/2021, Singapore Airlines đã đồng ý hợp tác cùng Garuda Indonesia để cung cấp trải nghiệm du lịch cải thiện cho hành khách và các lựa chọn bổ sung trong bối cảnh lưu lượng hàng không giữa các quốc gia ngày càng tăng.
Theo biên bản ghi nhớ (MoU), hai hãng hàng không sẽ hợp tác về các hoạt động tiếp thị chung và sự liên kết của các chương trình dành cho khách hàng thường xuyên khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Những khó khăn hiện tại
Singapore Airlines vẫn phải đối mặt với những sóng gió hậu đại dịch và tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. Hãng sẽ chỉ hoạt động trở lại 2/3 công suất so với trước đại dịch cho đến cuối tháng 9. Giá dầu, chi phí đơn lớn nhất đối với các hãng vận tải châu Á, đã tăng gần 50% trong năm nay.
Hãng hàng không có thể còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Đông như Qatar Airways và Emirates, cả hai đều đã nhận được các gói cứu trợ của chính phủ.
Toàn ngành cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự lớn. Sau 2 năm đại dịch cắt giảm và sa thải nhân sự, các sân bay, hãng hàng không, công ty dịch vụ tại mặt đất đang gặp khó khăn để xây dựng lại lực lượng lao động. Riêng tại sân bay quốc tế Singapore Changi đang thiếu hụt 6.600 vị trí công việc trống.
Ông David Mann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi của Viện Kinh tế Mastercard, cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một vấn đề cần được giải quyết. Du lịch đang phục hồi trên khắp thế giới".
Phạm Hà Thanh (theo Bnnbloomberg, Airline Geeks)