Cái bắt tay giữa 'nhà nông' và 'nhà đèn' trong việc tiết kiệm điện
Cái bắt tay giữa "nhà nông" và "nhà đèn" ở Lâm Đồng không chỉ là câu chuyện về tiết kiệm điện mà là minh chứng cho tư duy làm nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Giữa những ngày cao điểm mùa khô năm 2025, khi nhu cầu sử dụng điện trên toàn tỉnh tăng cao, một câu chuyện về sự hợp tác hiệu quả đang diễn ra âm thầm nhưng mạnh mẽ tại các "thủ phủ" nông nghiệp công nghệ cao như Đơn Dương, Lạc Dương và Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Thay vì đối đầu với hóa đơn tiền điện ngày một tăng, nhiều nhà nông đã bắt tay cùng ngành “nhà đèn” để tìm ra "công thức" tối ưu, vừa đảm bảo năng suất cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí một cách bền vững.
Khi nhà nông đồng hành cùng nhà đèn
Nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng từ lâu đã gắn liền với hình ảnh những nhà kính sáng rực ánh đèn vào ban đêm để kích thích sinh trưởng cho hoa cúc. Tuy nhiên, mô hình này cũng đồng nghĩa với việc chi phí tiền điện luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất.
Nhân viên của Công ty Điện lực Lâm Đồng hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: Thiên Phương
Trước đây, câu chuyện giữa nhà nông và nhà đèn đôi khi chỉ xoay quanh việc "ghi số - thu tiền". Nhưng vài năm trở lại đây, mối quan hệ này đã chuyển bước sâu sắc. Nhân viên của Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) đã chủ động "đi từng ngõ, gõ từng nhà kính" để bắt tay nhau cùng tiết kiệm điện.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một trang trại hoa cúc rộng 2 hecta tại xã Lạc Dương, chia sẻ: "Lúc trước mình cứ nghĩ đơn giản là cây cần sáng thì mình bật đèn thôi, dùng bóng compact công suất lớn cho nó sáng mạnh. Nhưng từ khi được các anh Điện lực Lạc Dương xuống tận vườn tư vấn, tính toán chi phí cụ thể, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều".
Sự tư vấn đó không chỉ dừng lại ở lời nói. Cán bộ kỹ thuật của Điện lực Lạc Dương đã phân tích cho anh Hùng về lợi ích của việc chuyển đổi từ bóng compact sang các loại đèn LED chuyên dụng cho nông nghiệp, tuy chi phí đầu tư ban đầu cao hơn nhưng lại tiết kiệm đến 50 - 60% điện năng tiêu thụ. Quan trọng hơn, họ còn hướng dẫn anh lắp đặt các bộ hẹn giờ tự động, cài đặt chế độ chong đèn ngắt quãng và đặc biệt là dịch chuyển thời gian chong đèn chính vào các khung giờ thấp điểm (sau 22h đêm).
"Mỗi ngày, chúng tôi đều gửi tin nhắn qua Zalo cho các chủ trang trại, cảnh báo về khung giờ cao điểm và khuyến nghị các giải pháp sử dụng điện hợp lý. Sự tương tác hai chiều này đã giúp bà con hiểu và chủ động hơn rất nhiều", ông Hoàng Ngọc Hưng, một cán bộ của Điện lực Đơn Dương cho biết.
Tiết kiệm điện - tiết kiệm kinh phí - hiệu ứng lan tỏa
Sự đồng hành này nhanh chóng mang lại những "trái ngọt" có thể cân, đo, đong, đếm được. Câu chuyện của anh Hùng ở Lạc Dương là một minh chứng. Sau khi áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ thay đổi bóng đèn đến điều chỉnh giờ chong đèn, hóa đơn tiền điện mỗi tháng của gia đình anh đã giảm từ 25 - 30% trong khi năng suất và chất lượng hoa vẫn được đảm bảo.
"Tính ra mỗi tháng tôi tiết kiệm được cả chục triệu đồng. Số tiền đó có thể tái đầu tư vào phân bón, giống cây mới. Đầu tư một lần mà lợi ích lâu dài, tôi thấy quá xứng đáng", anh Hùng phấn khởi nói.
Nhân viên của Công ty Điện lực Lâm Đồng hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: Thiên Phương
Nhưng hiệu quả không chỉ dừng lại ở túi tiền của một vài hộ nông dân. Nó đang tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Khi một nhà vườn thành công, các hộ xung quanh cũng tò mò tìm hiểu và học hỏi theo. Mô hình "tiết kiệm điện" đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới, một tiêu chí cho việc canh tác nông nghiệp công nghệ cao một cách chuyên nghiệp và bền vững.
Quan trọng hơn, hành động của hàng ngàn nhà vườn đã góp một phần không nhỏ vào việc giảm áp lực cho lưới điện chung của toàn tỉnh trong những giờ cao điểm. Việc dịch chuyển nhu cầu sử dụng điện sang giờ thấp điểm giúp hệ thống vận hành ổn định hơn, giảm nguy cơ quá tải, đảm bảo nguồn điện được cung cấp liên tục cho cả sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn khác của địa phương.
"Cái bắt tay" giữa nhà nông và “nhà đèn” ở Lâm Đồng không chỉ là câu chuyện về tiết kiệm điện. Đó là minh chứng cho một tư duy làm nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm và bền vững. Khi chi phí sản xuất giảm, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường sẽ tăng lên và người hưởng lợi cuối cùng chính là những người nông dân tâm huyết và cả nền kinh tế của địa phương.