Trung Quốc đứng trước bờ vực giảm phát
Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã về mức 0 trong tháng 6/2023, trong khi lạm phát giá sản xuất tiếp tục giảm. Điều này cho thấy sự suy giảm kéo dài về nhu cầu và làm gia tăng nỗi lo về tình trạng giảm phát trong nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc gần như đi ngang so với cùng kỳ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 10/07. Con số này thậm chí còn thấp hơn kỳ vọng tăng 0.2% của các chuyên gia kinh tế tham gia vào cuộc thăm dò của Bloomberg và thấp hơn mức 0.2% của tháng 5.
Lạm phát lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tiếp tục hạ nhiệt, từ 0.6% xuống 0.4%.
Trong tháng 6/2023, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5.4%, mạnh hơn mức giảm 4.6% của tháng trước. Các chuyên gia kinh tế dự báo giảm 5%.
Dữ liệu lạm phát càng cho thấy đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt.
Nỗi lo giảm phát đã tăng trong vài tháng gần đây, qua đó kéo giảm niềm tin. Các nhà sản xuất đối mặt với giá hàng hóa thấp hơn và nhu cầu yếu đi ở quê nhà lẫn nước ngoài. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục hạn chế chi tiêu hoặc đầu tư với kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm, thì có thể dẫn tới vòng xoáy giảm giá.
Trong tình cảnh đó, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kích thích nhưng quy mô hiện còn khá khiêm tốn. Các chuyên gia kêu gọi phải mạnh tay kích thích hơn nữa.
Trong tháng 6/2023, NHTW giảm nhẹ lãi suất chính sách và Chính phủ kéo dài ưu dãi thuế cho những người mua xe điện.
Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Dịch Cường trao đổi với các chuyên gia kinh tế về gói hỗ trợ tiềm năng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các chính sách kích thích sẽ cần “nhắm tới mục tiêu cụ thể, toàn diện và cần có sự phối hợp tốt giữa các bên”. Nhận định này cũng củng cố kỳ vọng các gói kích thích sẽ không quá lớn.
Ngoài ra, một yếu tố khác đang cản trở Trung Quốc đưa ra các gói kích thích lớn là núi nợ cao chồng chất của các chính quyền địa phương - vốn thường chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng thông qua chi tiêu.