Hãng hàng không Nhật không muốn hành khách mang theo quần áo, lý do là gì?
Thay vì mang quần áo, khách hàng được khuyên là nên thuê quần áo của hãng.
Kể từ ngày 5/7/2023, hãng hàng không Japan Airlines Co và công ty thương mại Sumitomo Corp đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ cho hành khách thuê quần áo trong thời gian ở lại Nhật Bản. Sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, đồng thời mang lại sự thuận tiện cho du khách. Bằng cách giảm thiểu trọng lượng của phi cơ, hãng hy vọng sẽ cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm thiểu phát thải khí CO2. Hiện tại dịch vụ vẫn đang được tiếp tục thử nghiệm cho đến tháng 8/2024.
Quá trình thuê quần áo
Kế hoạch thử nghiệm này có tên gọi là Any Wear, Anywhere (Tạm dịch: Ở đâu mặc gì cũng được). Theo đó, tất cả những gì hành khách cần đóng gói chỉ là đồ lót và bàn chải đánh răng, còn quần áo thì họ có thể tự do lựa chọn tùy theo sở thích, kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc thông qua website của Japan Airlines trước khi lên máy bay. Hãng bay cũng cho thuê các loại vali cỡ lớn để đựng quần áo. Mỗi người có thể lựa chọn tối đa 8 trang phục mỗi tháng trước 2 tuần.
Kho quần áo sẽ được chia thành các kích cỡ nhỏ, vừa, lớn và theo phong cách smart (bảnh bao), smart casual (lịch thiệp giản dị) hoặc lẫn lộn, đa phong cách.
Giá cả quần áo
Một bộ quần áo sẽ có giá dao động từ 4.000 yên (679.000 VNĐ) tới 7.000 yên (hơn 1,1 triệu VNĐ). Phụ nữ có thể lựa chọn các loại trang phục như áo sơ mi vải lanh, quần tây và váy dài vào mùa hè. Đàn ông nếu đi du lịch vào mùa đông thì có thể thuê quần jeans bạc màu, áo hoodie và áo khoác ấm với giá 7.000 yên (hơn 1,1 triệu VNĐ).
Trang phục của hãng được lấy từ các nguồn hàng dư thừa của nhà bán lẻ và quần áo cũ được thu gom từ công ty mẹ. Sau khi hành khách lựa chọn trang phục, quần áo sẽ được chuyển tới khách sạn hay nơi ở của hành khách. Kết thúc chuyến đi cũng là lúc trang phục được thu gom lại để giặt ủi và tái chế. Nếu quần áo bị hỏng, hành khách sẽ phải trả tiền.
Theo trang web của Any Wear, Anywhere, nếu bớt được 10kg hành lý thì máy bay sẽ giảm được 7,5kg khí CO2 phát thải. Điều này tương đương với việc ngừng sử dụng máy sấy tóc trong 78 ngày với trung bình mỗi ngày sử dụng 10 phút.
Nếu thử nghiệm thành công, công ty Sumitomo sẽ xem xét triển khai kế hoạch cho các hãng hàng không có chuyến bay tới Nhật Bản như American Airlines, British Airways, Cathay Pacific và Malaysia Airlines.
Lượng khách du lịch đến Nhật Bản đang gia tăng rõ rệt sau đại dịch. Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong tháng 5, số lượng du khách tới Nhật Bản là 1,9 triệu người, tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu từ chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy trong quý I năm 2023, trung bình mỗi du khách đã chi tiêu khoảng 50.496 yên (hơn 8,5 triệu VNĐ) cho việc mua sắm.
Công ty Sumitomo hy vọng chương trình này sẽ giúp giải quyết vấn đề rác thải quần áo. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu kế hoạch này có thực sự bảo vệ môi trường, bởi thuê quần áo cũng đi kèm với nhiều hậu quả sinh thái khác.
Được biết, ngành hàng không chiếm tới 2,5% lượng khí CO2 phát thải toàn cầu. Uỷ ban châu Âu dự đoán tới giữa thế kỷ 21, những chuyến bay sẽ làm tăng lượng khí thải của ngành hàng không gấp 3 lần so với năm 2005 nếu không có biện pháp quyết liệt nào xử lý tình trạng trên.
Để đối phó, ngành hàng không thế giới đã phát động mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí CO2 bằng 0 tới năm 2050. Kế hoạch cho thuê quần áo của Japan Airlines cũng là một bước nhỏ trong phong trào này.