Chiến sự Nga - Ukraine 21/6: Nga cáo buộc Ukraine muốn tập kích Crimea, cảnh báo NATO
Một số thông tin tình hình chiến sự Nga - Ukraine: Chiến sự Nga - Ukraine 20/6: Nga cáo buộc Ukraine muốn tập kích Crimea, cảnh báo NATO.
Thông tin chiến sự
Nga cáo buộc Ukraine muốn tập kích bán đảo Crimea. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Ukraine đang muốn sử dụng tên lửa Storm Shadow và HIMARS để tập kích bán đảo Crimea.
“Theo thông tin của chúng tôi, lực lượng Ukraine đang lên kế hoạch tập kích các vùng lãnh thổ của Liên bang Nga, bao gồm bán đảo Crưm, bằng các loại tên lửa phương Tây”, ông Shoigu nói.
Cũng theo ông Shoigu, Moscow sẽ có động thái đáp trả tương xứng nếu Ukraine thực hiện kế hoạch này. Bên cạnh đó, ông Shoigu cũng nhấn mạnh, việc Kiev sử dụng tên lửa HIMARS và Storm Shadow ở ngoài khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt đồng nghĩa với việc Mỹ và Anh trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Ukraine nói Nga tổ chức tấn công bằng UAV. Quân đội Ukraine cho biết, Nga đã phát động một cuộc không kích lớn nhắm vào Kiev bằng máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất, đợt tấn công thứ hai như vậy trong tháng này.
Văn phòng Tổng thống Zelensky nói, cuộc tấn công Kiev được chia làm nhiều đợt và còi báo động kéo dài hơn 4 giờ. Nhiều tòa nhà thương mại và hành chính, một số nhà dân bị hư hại. Có tổng cộng 35 UAV Shahed được phóng từ tỉnh Bryansk của Nga và biển Azov. Ukraine tuyên bố bắn hạ 32 UAV.
Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, các mảnh vỡ từ UAV rơi xuống đã làm hỏng đường dây điện ở khu vực Kiev và cả khu vực Mykolaiv ở phía nam, cắt nguồn điện của hàng trăm cư dân.
Nga tuyên bố phá hủy nhiều loạt kho đạn của Ukraine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết, các lực lượng Nga đã phá hủy 8 kho đạn của Ukraine trong 24 giờ. Các kho đạn của Ukraine bị phá hủy trong bối cảnh Kiev đang mở chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Ba mặt trận phản công chính của Ukraine hiện nay gồm Donetsk, Nam Donetsk và Zaporizhia.
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Nga, các nỗ lực phản công của Ukraine ở cả 3 mặt trận trên đều không thành công. “Trong khoảng thời gian 24 giờ qua, lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục nỗ lực không thành công để tiến công về hướng nam Donetsk, Zaporizhia và Donetsk”, tướng Konashenkov nói thêm.
Một số diễn biến liên quan
Nga ra điều kiện rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus. Ông Alexei Polishchuk, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết, quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus là quyết định bất đắc dĩ của Moscow để đáp trả chính sách gây hấn của Mỹ và NATO.
Ông Polishchuk cho biết thêm, khi các chi tiết trong thỏa thuận giữa Moscow - Minsk được bàn thảo, hai bên đã xem xét “những hoạt động phá hoại kéo dài nhiều năm” trong sứ mệnh hạt nhân chung của các quốc gia thành viên NATO.
Tuy nhiên, ông Polish nhấn mạnh “không giống những đầu đạn của Mỹ đặt ở châu Âu”, vũ khí của Nga sẽ được đặt gần biên giới Nga và trên lãnh thổ của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus. Ông cho biết, về lý thuyết, Nga có thể rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi lãnh thổ Belarus, nhưng Moscow sẽ chỉ làm điều đó khi Mỹ loại bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân ở châu Âu.
Tổng thống Zelensky nói Ukraine đạt bước tiến ở phía đông, phía nam. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, các lực lượng Ukraine đang tấn công lực lượng Nga ở hai chiến trường chính của cuộc xung đột, phía đông và phía nam của đất nước.
“Vào thời điểm này, những người lính của chúng ta ở phía nam và phía đông đang tích cực tiêu diệt kẻ thù, làm sạch Ukraine”, ông Zelensky nói.
Bên cạnh đó, ông Zelensky tuyên bố việc tái thiết Ukraine là “phương tiện và sự đảm bảo an ninh, đảm bảo không chiến dịch tương tự nào của Nga tái diễn”.
Nga cảnh báo sẵn sàng ứng phó nếu NATO tham chiến tại Ukraine. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cảnh báo, Nga sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với khả năng NATO tham chiến tại Ukraine.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ bất cứ động thái nào nhằm “đóng băng” cuộc xung đột bất chấp tổn thất ngày càng lớn của Ukraine.
Ông Stoltenberg nói, hòa bình tại Ukraine không có nghĩa là “đóng băng cuộc xung đột và chấp nhận một thỏa thuận do Nga đưa ra”. Theo quan chức này, chỉ Ukraine mới có thể xác định những điều kiện phù hợp” khi Kiev chứng minh rõ ràng cam kết sẽ đẩy lùi các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ, trong đó có Crimea.
NATO nhận định về chiến dịch phản công của Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay: “Chúng tôi biết, quân đội Ukraine phải đối mặt với một địa hình khó khăn, họ phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của Nga”.
Theo ông Stoltenberg, Nga đã dành nhiều tháng để xây dựng các phòng tuyến trước cuộc phản công của Ukraine. Người đứng đầu NATO thừa nhận quân đội Nga đã có thể “thiết lập các tuyến phòng kiên cố với bãi mìn, hàng rào răng rồng, hào chống tăng”.
Do đó, ông kêu gọi các đồng minh NATO tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các xe thiết giáp kháng mìn, để giúp Kiev xuyên thủng phòng tuyến của Nga.