Lại lo giá xăng dầu tăng cao
Giá xăng đã vượt xa mức 24.000 đồng/lít, có nhiều phiên tăng liên tiếp và dự báo có thể lại tăng cao trong kỳ điều hành tới khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng lên đỉnh cao nhất 10 tháng qua, dự báo giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9 tới.
Nếu điều này xảy ra, giá xăng trong nước sau khi có một phiên đứng im và vừa dứt đà tăng 6 phiên liên tiếp trước đó thì lại quay đầu tăng mạnh.
Giá xăng dầu trong nước sắp tăng mạnh?
Theo dự báo của đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tuần tới, liên Bộ Tài chính - Công Thương có thể điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng tăng mạnh so với giá hiện hành, nếu giá dầu thế giới vẫn "phi mã" như thời gian qua và giữ đỉnh cao nhất 10 tháng.
Ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) nhận định, với diễn biến giá dầu thế giới như hiện nay, giá xăng trong nước có thể được cơ quan điều hành tăng 800 đồng/lít, giá dầu có thể tăng 700 đồng/lít,kg.
“ Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá trong nước còn phục thuộc vào ba phiên giao dịch tiếp theo trên thị trường thế giới và phụ thuộc vào việc liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn như thế nà o. Trên thực tế, thời gian qua, tuy giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng liên bộ hầu như không xả quỹ bình ổn ”, ông Phương nói.
Nhiều ý kiến khác còn dự báo giá xăng dầu kỳ điều chỉnh tới có thể tăng mạnh tới 950 đồng/lít đối với xăng và 900 đồng/lít,kg với dầu, nếu liên bộ tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h30 hôm nay (18/9), giá dầu WTI giao dịch ở mức 90,92 USD/thùng, tiếp tục tăng 0,15 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 94 USD/thùng, tăng 0,7 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Tuần trước, giá dầu dầu Brent và WTI đều đã tăng khoảng 4%. Giá dầu tăng liên tiếp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tới 1,3 triệu thùng/ngày trong ba tháng cuối năm thay vì chỉ trong tháng 10.
Theo các nhà phân tích, giá dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức 95 USD/thùng như những dự báo trước đó mà chính sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ nói trên sẽ đẩy giá dầu chinh phục mốc 100 USD/thùng, thậm chí vượt mốc vào cuối năm nay.
Doanh nghiệp như 'ngồi trên lửa'
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tới 15 lần và chỉ giảm 7 lần. Tại những kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng đã tăng liên tiếp trong 6 kỳ và trong kỳ điều chỉnh mới nhất (ngày 11/9), giá xăng tuy không thay đổi nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng thêm 370 - 410 đồng/lít. Và nguy cơ giá xăng dầu quay đầu tăng lại vào kỳ điều chỉnh 21/9 sắp tới là rất rõ nét, khi giá thế giới đang rất cao.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, HTX đang gặp rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu vào mùa thu hoạch, chế biến chè nhưng hàng loạt chi phí đã tăng đột biến như nhân công, logistics, giá thu mua chè tươi...
Theo ông Phố, chỉ trong 2 tháng qua, giá xăng dầu nhiều lần tăng liên tiếp đã đẩy giá các sản phẩm, dịch vụ tăng theo.
“Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nếu HTX thu mua, chế biến thì lỗ bởi giá chè khô không thể tăng theo. Còn không thu mua thì hơn 64 ha chè của hàng trăm hộ dân ở xã vùng cao Hồng Thái phải bỏ hoang, chính sách thoát nghèo của Nhà nước đối với người dân vùng cao trở nên vô hiệu”, ông Phố nói.
Các doanh nghiệp vận tải cũng đang "nín thở" chờ tin giá xăng dầu điều chỉnh trong vài ngày tới.
Anh Nguyễn Văn Hoài, nhà xe Khánh Thủy, chuyên chạy tuyến Mỹ Đình - Lai Châu cho biết, với giá xăng dầu như hiện nay, trung bình mỗi chuyến 2 lượt (đi-về), doanh nghiệp phải chi hết 10 triệu đồng cho hơn 500km đường. Trong đó, chi phí cho lái chính, phụ xe, cầu đường, bến bãi chiếm khoảng 4,5 triệu đồng, số tiền gần 6 triệu còn lại dành cho xăng dầu.
“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì chi phí thường ngày phải đội lên. Trong khi giá vé vẫn thế và lượng khách không có lý do gì nhiều hơn, chưa kể đang ngày càng ít khách đi”, anh Hoài nói.
Chỉ tay ra phía sân, nơi có hàng trăm xe khách từ 16 đến 52 chỗ ngồi, giường nằm đang nằm dài chờ khách, anh Hoài cho biết: “Ở bến xe cuối giờ chiều mà nhân viên các nhà xe và nhân viên bến xe còn đông hơn cả khách. Hiện nay lượng khách rất ít, xe 45 chỗ nhưng mỗi chuyến cũng chỉ được khoảng chục khách. Với giá 300.000 đồng/vé Mỹ Đình - Lai Châu, lượng khách thưa thớt, giá xăng dầu thì cao ngất, doanh nghiệp vận tải đang rất chật vật để kinh doanh qua ngày” .
Xác nhận thực trạng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang đối diện rất nhiều khó khăn. Trước kia xăng dầu chiếm khoảng 30-35% chi phí, nay đã tăng lên 45-50%.
Cũng theo ông Liên, nếu giá xăng dầu trong nước duy trì mức cao, tất yếu kéo theo hàng loạt loại hàng hóa khác tăng giá theo vào dịp cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, vấn đề cần thiết hiện nay là cần phải nhanh chóng kìm hãm đà tăng giá xăng dầu cũng như các loại hàng hóa khác”, ông Liên nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nêu quan điểm, giá xăng tăng cao thì lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhà sản xuất sụt giảm, đó là điều tất yếu. Nếu muốn duy trì lãi thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Điều này nguy cơ đẩy lạm phát cao lên.
“ Nhà nước nên cố gắng kìm cương giá xăng dầu, đừng để giá tăng liên tiếp như hiện nay, nguy cơ gây sốc cho nền kinh tế", ông Nguyên kiến nghị.
Giá các loại xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/9 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON92 vẫn giữ mức 23.471 đồng/lít, xăng RON95 giữ mức 24.871 đồng/lít so với kỳ trước. Giá dầu diesel tăng 410 đồng/lít, không cao hơn 23.055 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 374 đồng/lít, không cao hơn 23.188 đồng/lít và giá dầu mazut giữ nguyên 17.704 đồng/kg, mức giá từ kỳ trước.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.