Bản tin năng lượng số 49/2022
Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch vừa ký kết thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh
Cụ thể, ngày 14/12, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN - EU kỷ niệm 45 năm quan hệ, tại Vương quốc Bỉ, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch ký kết thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Thỏa thuận đối tác này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy tham vọng cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Các đối tác quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh
Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới như: đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khi nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030. Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030. Giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37GW. Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.
Theo đó, khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.
Việt Nam là quốc gia thứ ba ký kết JETP sau thành công của JETP với Nam Phi trong COP26 và JETP với Indonesia trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, JETP của Việt Nam sẽ minh chứng rằng phát triển kinh tế có thể không phải nhờ đến việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Khởi công dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang
Lễ khởi công dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang vừa diễn ra tại tỉnh Hậu Giang.
Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang có quy mô công suất 2x10MW do Công ty CP Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với quy mô sử dụng đất khoảng trên 10ha bao gồm 2 tổ máy độc lập (2 lò hơi, 2 tuabin, 2 máy phát) và một số hạng mục phụ trợ dùng chung.
Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa carbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận.
Về tài trợ nguồn vốn đầu tư, dự án đã được phê duyệt khoản tài trợ từ cơ chế tín chỉ chung JCM của chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu và chủ đầu tư đang triển khai ký kết hợp đồng vay. Dự kiến, Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2024.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi công Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy điện sinh khối hòa lưới, sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất đi vào vận hành đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ngoài ra, dự án còn góp phần cung cấp điện năng khoảng 125 GWh/năm cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nhà máy và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hậu Giang. Với doanh khu dự kiến khoảng 200 tỷ đồng/năm, dự án hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu dồi dào cho ngân sách địa phương.
TP Hà Nội vinh danh 55 cơ sở đạt danh hiệu Năng lượng xanh
Mới đây, Sở Công Thương TP Hà Nội tổ chức Lễ trao danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh TP Hà Nội năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương TP Hà Nội đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho cho 57 cơ sở, doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 12 cơ sở. Mô phỏng năng lượng cho 6 tòa nhà, công trình xây dựng; hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất ứng dụng phương pháp dự báo nhu cầu năng lượng để đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng và 23 tòa nhà ứng dụng công cụ đánh giá hiệu quả năng lượng đáp ứng Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD. Phát triển 55 mô hình sử dụng năng lượng xanh thành phố với trên 1.000 các giải pháp kỹ thuật tiêu biểu.
Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, TP Hà Nội đã tiết kiệm được 131,3 kTOE, đạt 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Các cơ sở đạt danh hiệu sử dụng Năng lượng xanh 5 sao do TP Hà Nội công nhận
Chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh năm 2022 đã thu hút 100 đơn vị trên địa bàn tham gia. Các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, hỗ trợ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo tiêu chí của thành phố.
Hội đồng đánh giá, chấm điểm, xếp hạng từ cao xuống thấp và đã đề xuất, được TP Hà Nội công nhận 55 cơ sở có số điểm đánh giá cao nhất đạt danh hiệu Năng lượng xanh theo tiêu chí thành phố. Cụ thể, danh hiệu Năng lượng xanh 5 sao có 16 đơn vị; danh hiệu Năng lượng xanh 4 sao có 22 đơn vị và danh hiệu Năng lượng xanh 3 sao có 17 đơn vị. Các doanh nghiệp, cơ sở đạt danh hiệu đã triển khai thực hiện những giải pháp mang lại hiệu quả cao, có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, giúp doanh nghiệp cơ sở chủ động trong quá trình đổi mới trang thiết bị, quản lý vận hành và thiết kế dự án.