Thị trường chung cư Hà Nội bắt đầu hạ nhiệt
Sau thời gian tăng "nóng", thị trường chung cư Hà Nội gần đây hạ nhiệt khi giá bán ngừng tăng và giao dịch sụt giảm.
Theo khảo sát được Công ty PropertyGuru Việt Nam thực hiện, từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, thanh khoản của thị trường căn hộ chung cư Hà Nội đang có dấu hiệu chậm lại. Tại một số dự án, số lượng giao dịch phát sinh trong tháng 4 chỉ bằng khoảng một nửa so với thời kỳ “đỉnh cao” cách đây không lâu.
Trong khi đó, giá cũng ngừng tăng so với thời điểm tháng 3 và tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu do người mua có tâm lý "sợ" giá tăng cao.
" Không ít khách hàng của tôi có ý định mua căn hộ lại đã quyết định không đi xem nhà nữa vì thấy giá quá cao, vượt khả năng tài chính. Bên cạnh đó, một số chủ nhà từng đưa ra mức giá bán cao thì giờ cân nhắc tính giảm giá bán ", chị Trần Thị Mây, môi giới bất động sản, chia sẻ.
Anh Trần Lam, một môi giới chung cư thứ cấp tại quận Nam Từ Liêm cũng cho biết nhu cầu hỏi mua nhà có xu hướng chậm lại gần một tháng nay. Thời điểm sau Tết, có tuần anh dẫn hơn chục lượt khách đi xem và khách chốt ngay sau một, hai lần vì "sợ giá còn tiếp tục tăng".
Thế nhưng, từ đầu tháng 5, nhiều người tuy hỏi nhưng "nghe báo giá xong họ tắt máy, không liên hệ lại". Môi giới này cho biết một số chủ nhà cần bán gấp thời điểm này cũng giảm giá kỳ vọng khoảng 100 triệu hoặc tặng nội thất, song người mua chê đắt, muốn giảm thêm.
Chị Nguyễn Minh Ngọc (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, chị có một căn hộ chung cư nhưng rao bán cả tháng nay vẫn chưa tìm được khách mua, mặc dù hồi đầu năm căn hộ này được môi giới báo giá tăng theo từng tuần.
“ Cuối tháng 2 vừa qua, tôi nhận được thông báo từ môi giới, căn hộ đã được khách mua trả 3,1 tỷ đồng. 1 tuần sau, môi giới lại báo có khách mua sẵn sàng trả gần 3,2 tỷ đồng. Đến nay, khi có nhu cầu gấp, tôi rao bán giá 3,1 tỷ đồng mà cả tháng gần như không có người hỏi mua ”, chị Ngọc kể.
Theo ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, vừa qua giá chung cư Hà Nội đã tăng quá cao, đến ngưỡng mà thị trường khó có thể hấp thụ được. Khi đó sẽ dẫn đến việc người mua và nhà đầu tư quay lưng, cung không gặp được cầu, thị trường ắt sẽ có sự điều chỉnh và giá buộc phải hạ.
Ông Tuấn dẫn chứng, hiện nay, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực đã chấp nhận lùi kế hoạch lại vì giá nhà quá cao, khiến họ không thể thu xếp nguồn tài chính. Ông Tuấn gần đây chứng kiến có nhiều khách sau khi được dẫn đi xem các căn hộ chung cư ở Hà Nội đã từ bỏ ý định mua thời điểm này.
" Nhiều gia đình có khoảng 600 - 700 triệu đồng, muốn vay ngân hàng khoảng 70% để mua chung cư nhưng khi thấy giá quá cao, xác định vay 70% rồi cũng không đủ tiền trả nên họ đã không mua nữa ", ông Tuấn kể.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ phân tích, giá chung cư hạ do tâm lý mua vì FOMO (sợ bị bỏ lỡ) của người dân đã được trấn an sau một giai đoạn phân khúc này liên tục tăng nóng. Người mua chuyển sang nghe ngóng, chờ thị trường "qua đỉnh". Người bán cũng quan sát, điều chỉnh giá kỳ vọng.
Theo ông Toản, phân khúc chung cư đang dần quay trở lại diễn biến ảm đạm chung của thị trường bất động sản năm nay.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhận định, giá chung cư Hà Nội sẽ có điểm điều chỉnh nhưng không nhiều. Người mua cần phải tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý đảm bảo. Tuyệt đối không lao theo cơn “sốt", phong trào đám đông.
Theo VARS, để không gây ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của thị trường, chủ đầu tư cũng phải nghĩ đến tình hình thị trường chung, điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý và kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối. Chính các sàn giao dịch, môi giới cũng cần có ý thức hơn trong quá trình tư vấn, giao dịch.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm có sự điều chỉnh về quy hoạch để kịp thời đẩy mạnh nguồn cung mới với số lượng lớn giúp phục hồi khả năng cạnh tranh giữa các phân khúc. Đồng thời cũng phải sử dụng các công cụ điều tiết cung - cầu để thị trường tăng trưởng sự ổn định.