Giá vàng SJC lập đỉnh mới
Mở cửa sáng 7/3, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh và lập đỉnh mới. Giá vàng SJC chưa bao giờ cao như hiện nay, lên tới 81,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 79,3-81,3 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng nhẫn tròn trơn tại đây cũng tăng 300 nghìn đồng/lượng lên 66,8-68,0 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI cũng tăng giá vàng miếng trong đầu giờ sáng hôm nay lên 79,25-81,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức cao kỷ lục 67,5-68,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng vẫn duy trì ở vùng cao nhất mọi thời đại, lúc 9h00 sáng 7/3 ở mức 2.145 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại, giá vàng quốc tế chỉ tương đương với 64 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí). Trong khi ước tính theo tỷ giá USD trên thị trường tự do, giá vàng quốc tế đang tương đương với khoảng 66,4 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí).
Theo Kitco News, sự phục hồi của vàng lên mức cao mới mọi thời đại gây bất ngờ đến mức khiến các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cũng đang phải đau đầu tìm nguyên nhân thực sự.
Ross Norman, Giám đốc điều hành của Metals Daily cho biết "lời giải thích thông thường" là vàng tăng trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tháng 6, điều này sẽ làm suy yếu đồng đô la và tăng giá vàng. Nhưng thực tế, đồng đô la đã tăng giá so với đầu năm. Norman nói rằng chắc chắn rằng việc mua bán trên thị trường tương lai đã giúp thúc đẩy đà tăng của kim loại quý này, nhưng động thái này quá lớn nên không thể coi là động lực chính. "Vì vậy có điều gì đó khác đang diễn ra", ông nói. Một phần quan trọng của câu trả lời là việc người Trung Quốc tăng nhu cầu mua vàng. Bên cạnh đó, đợt tăng giá gây sốc còn được thúc đẩy bởi hoạt động mua vào của nhiều ngân hàng trung ương.
James Steel, nhà phân tích tại HSBC Holdings PLC, nói với Bloomberg trong một báo cáo rằng diễn biến của vàng là đáng ngạc nhiên vì không có thay đổi đáng kể nào về kỳ vọng cắt giảm lãi suất hay một động lực kinh tế vĩ mô rõ ràng khác.