Bình Thuận: Dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 2%
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2023.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo thống kê của đơn vị này, trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn huy động toàn tỉnh đạt 58.395 tỷ đồng, tăng 0,72% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 89.746,5 tỷ đồng, tăng 2,16% so với cuối năm 2023.
Tổng dư nợ cho vay tỉnh Bình Thuận đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 2,16% so với cuối năm 2023. (Ảnh minh hoạ) |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn, thị trường ngoại hối, vàng ổn định, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường. Công tác thanh tra, giám sát được tiếp tục tăng cường, công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, quyết liệt triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, đơn vị sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền, triển khai kịp thời cơ chế, chính sách đến người dân trên địa bàn; tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm 1-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau; thực hiện tích cực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, đơn vị sẽ theo dõi giám sát chặt chẽ việc triển khai chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn kịp thời. Tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Đơn vị cũng đẩy mạnh thu thập dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán…